(ĐSPL) - Theo kế hoạch, đến hết tháng 10/2016, nhà đầu tư sẽ tiến hành lắp đặt xong tất cả các trạm thu phí không dừng (ETC).
Báo Đại đoàn kết đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 26/8 nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng (Công ty CP VETC) đã lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí ETC tại 5/28 trạm thu phí BOT trên cả nước, bao gồm: Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Đăk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Đăk Đoa (Gia Lai), Chư Pưh (Gia Lai).
Đồng thời, đã hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại 2 trạm Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam). 17 trạm còn lại đang chờ chấp thuận của các nhà đầu tư BOT để tiếp nhận bàn giao mặt bằng, trong đó có 7 trạm nhà đầu tư đã ký hợp đồng lắp đặt. Hiện chỉ còn 4/28 trạm chưa xây dựng do chưa có mặt bằng. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 10-2016, nhà đầu tư sẽ tiến hành lắp đặt xong tất cả các trạm thu phí còn lại.
Thử nghiệm hệ thống trạm thu phí không dừng đối với các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1. Ảnh: Việt Hùng |
Theo thông tin trên báo Gia đình và Xã hội, nhà đầu tư đã triển khai khảo sát thiết kế 24/28 trạm, còn 4 trạm chưa khảo sát do chưa có mặt bằng. Hiện hồ sơ thiết kế thi công đang trình cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT thẩm định.
Đông thời, đang phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai phát hành và dán được hơn 10.000 thẻ E-tag (thẻ định danh miễn phí). Dự kiến đến cuối 2016 dán được 500.000 thẻ. Trước đó, 2 trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên) đều do nhà đầu tư Đức Long Gia Lai quản lý đã chính thức đưa vào hoạt động.
Theo lộ trình mà Bộ GTVT đã đưa ra, đến cuối năm 2018 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí không dừng và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí.
Trước đó, thông tin trên báo Nhân dân cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ nên giới hạn 2-3 đơn vị triển khai dịch vụ, công nghệ thu phí tự động không dừng trên đường bộ, không nên cho phép nhiều đơn vị cùng triển khai, tránh lãng phí và không đồng bộ giữa các trạm.
Theo tính toán của ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc liên danh TASCO - VETC, việc dừng thu phí không chỉ làm chậm hành trình mà còn tăng thời gian lưu thông 4-5\% và tiêu tốn thêm 7-8\% nhiên liệu. Áp dụng việc thu phí không dừng sẽ tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm, giảm thời gian tham gia giao thông tương ứng 2.800 tỷ đồng/năm, tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm… Hơn nữa, hình thức thu phí này còn tăng tính minh bạch trong quản lý, giảm ô nhiễm môi trường, hao mòn phương tiện… Thủ tục thực hiện với chủ xe ô tô khá đơn giản. Sau khi khai báo thông tin phương tiện, lập tài khoản giao thông, ô tô sẽ được dán E-Tag trên kính chắn gió phía trước. Phí phải trả mỗi khi qua trạm thu phí được báo về điện thoại của chủ xe. Với thẻ E-Tag, chủ xe có thể tra cứu và quản lý việc trả phí trên trang web của đơn vị cung cấp. Công nghệ thu phí không dừng (ETC) là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kỳ phát triển. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới và hiện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. |
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]rrRXtbKKfY[/mecloud]