Nghệ là loại gia vị quen thuộc trong gian bếp nhà bạn và chúng được xem là "thần dược" đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng củ nghệ nói chung và tinh bột nghệ nói riêng tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Tinh bột nghệ có thể trở thành "chất độc" nếu không được sử dụng đúng cách - Ảnh: Minh họa |
- Người bị sỏi mật và tắc nghẽn đường mật
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nghệ có thể kích hoạt các cơn đau ở những người bị sỏi mật. Chính vì thế, nếu bạn có các dấu hiệu của căn bệnh này, hãy tránh xa nghệ.
Tuy nhiên, chất curcumin trong nghệ lại cải thiện chức năng gan, ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật và ung thư túi mật. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những người có vấn đề liên quan đến sỏi mật và tắc nghẽn đường mật nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm chứa chất curcumin.
- Người chuẩn bị phẫu thuật
Trước khi tiến hành phẫu thuật khoảng 2 tuần, người bệnh cần ngưng tiêu thụ tinh bột nghệ vì củ nghệ có khả năng ngăn ngừa đông máu. Trường hợp tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu nhiều, khó cầm trong và sau khi phẫu thuật.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
Đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, nghệ được cho là sử dụng an toàn khi được chế biến trong món ăn. Còn nếu uống nghệ trong vai trò là thực phẩm chức năng hoặc thuốc, thai phụ và bà mẹ bỉm sữa sẽ gặp nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe cũng như sự phát triển của em bé.
- Bệnh nhân thiếu máu
Nghệ có tác dụng phá máu ứ, máu bầm trong cơ thể, do vậy những người thiếu máu không nên dùng bởi dễ dẫn đến tình trạng xa xẩm mặt mày.
- Bệnh nhân trào ngược dạ dày
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh bột nghệ có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng axit.
Theo đó, khi dùng chung với thuốc kháng axit như Tagamet, Pepcid, Zantac, Nexium, hoặc Prevacid thì củ nghệ có thể gây tăng axit dạ dày gây các cơn đau ngoài ý muốn. Vì vậy lưu ý không sử dụng chung tinh bột nghệ với thuốc kháng axit và đặc biệt không dùng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày.
Quỳnh Chi (T/h)