Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tham nhũng vặt trong quản lý trật tự xây dựng: Lỗi tại “thỏa thuận ngầm, đôi bên cùng có lợi”?

(DS&PL) -

Một tòa nhà sừng sững mọc lên sai thiết kế, không trong quy hoạch hay những căn biệt thự tự ý được xây dựng nhưng những “con voi” ấy lại không bị phát hiện.

Một tòa nhà sừng sững mọc lên sai thiết kế, không trong quy hoạch hay những căn biệt thự tự ý được xây dựng trong khuôn viên dự án những “con voi” ấy lại không bị phát hiện. Trong khi người dân xây nhà trong ngõ sâu, cơi nới cái ban công, vượt cái tum là thanh tra xây dựng phát hiện ra và xử lý liền. Mạnh tay thì bắt đập đi, nhẹ nhàng “biết điều” thì... phạt cho tồn tại. Rõ ràng trong công tác thanh tra xây dựng đang có vấn đề. Nhưng làm sao để dẹp “vấn nạn” này ở dạng ngầm, bởi thực tế, đôi khi người vi phạm xây dựng muốn được bỏ qua nên chủ động “lo lót” để “đôi bên cùng có lợi”?!

Công an Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes) để điều tra dấu hiệu lừa dối khách hàng tại tổ hợp chung cư CT6 Bemes ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Tham nhũng vặt ở mức đáng báo động

Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM”.

Tại hội nghị này, ban Nội chính Thành ủy TP.HCM có đưa ra con số 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc trong những năm gần đây, trong đó có một người bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ.

Đánh giá hành vi tham nhũng vặt đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra xây dựng, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng vặt theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương không chỉ ở cơ quan thanh tra mà xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực nhạy cảm, thậm chí ở cấp cơ sở, cấp Trung ương. Trong thời gian gần đây, theo đánh giá thì tình hình tham nhũng vặt trong ngành thanh tra xây dựng là hồi chuông đáng báo động, khi ngành xây dựng có những hành vi tiêu cực trong quản lý chức năng Nhà nước của mình. Tôi cho rằng, Thanh tra xây dựng chiếm một vị trí rất quan trọng trong quá trình hội nhập, phát triển đô thị của nước ta hiện nay”.

Chia sẻ về con số 300 cán bộ công chức thanh tra bị xử lý kỷ luật, trong đó mới có 1 người bị xử lý hình sự, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng đây mới là một “con sâu” trong 300 người được phát hiện xử lý của ngành thanh tra xây dựng.

“Có những đối tượng mà chúng ta chưa phát hiện và xử lý được, tôi nghĩ còn tiêu cực hơn nữa, chứ không chỉ dừng ở con số đó. Cho nên, việc cần là phải kiên quyết xử lý bằng một chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe phòng ngừa nghiêm minh, đặc biệt những trường hợp vi phạm, phạm pháp đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải thực hiện truy cứu chứ không được chỉ dừng lại ở khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc, chuyển ngành không còn làm công tác thanh tra, đó chỉ là những biện pháp giải quyết tức thời”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng nguyên nhân của vấn nạn tham nhũng vặt xuất phát từ cả hai phía. Một là, những người dân vi phạm trật tự trong quản lý đô thị, xây dựng đô thị thành phố thì chủ động chung chi cho những người quản lý. Ngược lại, lợi dụng “tình thế” của người dân trong việc xây dựng nhà ở, một số cán bộ thoái hóa biến chất đã có những biểu hiện tư lợi.

“Đồng tiền đi trước có là đồng tiền khôn?”

Nhìn nhận và phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc công ty luật Bảo Tín (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: “Tình trạng tham nhũng trong quản lý thanh tra xây dựng hiện nay đang khá phổ biến. Nhưng việc xử lý lại rất khó, do đó, nếu có xử lý đối với hành vi này thì hình thức xử lý phổ biến đối với họ (nếu chưa đến mức xử lý hình sự) là việc áp dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo...

Chỉ có thể xử lý hình sự theo quy định tại phần các tội phạm về tham nhũng (bao gồm bảy tội danh), hoặc bị truy cứu về tội danh khác mà thông thường là tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước. Hay nói cách khác, việc xử lý hình sự đối với hành vi này còn nhiều cản trở, khó khăn”.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hưng cho hay: “Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc xử lý tình trạng này mới chỉ dừng lại ở mức độ kiểm điểm nội bộ chứ chưa xử lý theo pháp luật. Một số vụ việc tham nhũng vặt từ trên 2.000.000 đồng, theo quy định của pháp luật có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, nhưng vụ việc cũng không được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý.

Mặt khác, việc phát hiện hành vi nhận hối lộ là cực kỳ khó khăn nếu như không có người tố giác. Rõ ràng, có sự thỏa thuận “ngầm” giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ về lợi ích nào đó mà người đưa hối lộ sẽ được nhận. Hơn nữa, đối với người đưa hối lộ cũng phải đối mặt với chế tài về hành vi đưa hối lộ nên nhiều khi họ không muốn phiền phức khi đối diện, mặc dù pháp luật sẽ xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

Việc không xử lý hành vi nhận hối lộ theo quy định của pháp luật (dưới 2 triệu đồng thì xử lý hành chính, trên 2 triệu đồng thì xử lý hình sự hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 về tội Nhận hối lộ) sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là hành vi bỏ lọt tội phạm, mặt khác nếu không có hành vi ngăn chặn quyết liệt, tình trạng này sẽ càng lan tràn và nở rộ trở thành quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của người dân vào cơ quan Nhà nước khi họ tin rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn””.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, theo luật sư Trương Anh Tú, về lâu dài, chúng ta cần cải tổ, cải cách triệt để trong công tác quản lý hành chính về việc cấp phép cho người dân một cách tiện lợi nhất, dễ dàng nhất, thông thoáng nhất để người dân tuân thủ pháp luật.

Còn luật sư Phan Kế Hiền cho rằng, trong đó có xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng là vấn đề quan trọng, là khâu cuối cùng trong quá trình đấu tranh với một hành vi hay vụ việc tham nhũng. Xử lý tham nhũng thể hiện rõ nét quan điểm và thái độ của nhà nước cũng như phản ứng của xã hội đối với tham nhũng”.

Và để ngành thanh tra, xây dựng trong sạch, lành mạnh, tạo được niềm tin của nhân dân, đại biểu Hoà nhấn mạnh: “Phải tuyển chọn những con người có phẩm chất, có đạo đức, có tâm, có tầm, trong sáng. Ngành nào cũng có cám dỗ, trong đó có lĩnh vực xây dựng, vì vậy những cán bộ phải tự biết điều chỉnh hành vi, hoạt động của mình. Phải kiên quyết, bác bỏ, xử lý nghiêm hành vi sai phạm pháp luật. Ở đây, nói thì dễ nhưng để thực hiện được thì khó.

Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan đơn vị, thủ trưởng thanh tra phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thanh tra viên được phân công thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước của ngành thanh tra cũng phải thể hiện sự gương mẫu, liêm khiết, phải thực hiện trách nhiệm nêu gương. Khi phát hiện sự việc cần truy cứu đến cùng đối với những thanh tra viên vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, như vậy mới đủ sức răn đe”.

Tham nhũng vặt làm xói mòn niềm tin của dân

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hưng, công ty luật The Light (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng bày tỏ tham nhũng vặt đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội khi xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi"... hậu quả mà tham nhũng vặt gây ra không kém tham nhũng lớn và làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư; cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Có một bộ phận cán bộ hư hỏng gây ra tình hình này nhưng bộ phận này lại không nhỏ, rải rác ở khắp nơi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Tham nhũng vặt ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như “lợi ích nhóm". Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại một thực tế là người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải "lót tay", chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức nhằm được hưởng lợi không hợp pháp và để được giải quyết công việc của mình một cách không chính đáng.

H.B - T.V
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 123

Tin nổi bật