"Thị trưởng Richard Bissen đã chấp nhận đơn từ chức của Giám đốc Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Maui (MEMA) – ông Herman Andaya. Lấy lý do sức khỏe, ông Andaya đã nộp đơn từ chức ngay lập tức", trích dẫn thông cáo của chính quyền hạt Maui.
Ông Andaya đệ đơn xin từ chức sau buổi họp báo ngày 16/8 - hơn 1 tuần sau thảm họa cháy rừng khiến ít nhất 111 người thiệt mạng và hàng trăm người hiện vẫn mất tích, gần 2.200 ngôi nhà bị tàn phá, gây thiệt hại ước tính khoảng 5,5 tỷ USD.
Giám đốc Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Maui (MEMA) – ông Herman Andaya. Ảnh: AP
Tại buổi họp báo, ông Andaya nói rằng mình không hối tiếc về quyết định không kích hoạt mạng lưới 121 thiết bị báo động trên toàn đảo, khi lửa bùng lên tại thị trấn với hơn 12.000 dân vào hôm 8/8.
Theo ông Andaya, còi báo động chủ yếu được sử dụng để cảnh báo sóng thần đến gần nên nếu báo động, nhiều người sẽ chạy lên sườn núi - nơi xảy ra cháy ở mức độ nghiêm trọng nhất.
Ông Andaya đồng thời nhấn mạnh rằng quy định đối với các vụ hỏa hoạn là gửi thông báo qua tin nhắn, thư thoại và điện thoại cố định, đồng thời thông báo trên ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, trong thảm họa vừa rồi, ngọn lửa đã nhanh chóng phá hủy mạng lưới liên lạc.
Thị trưởng Maui Richard Bissen và Thống đốc Hawaii Josh Green cũng đứng về phía ông Andaya. Thống đốc Green nói rằng, nếu nghe còi báo động, ông cũng nghĩ sắp có sóng thần. Ông đã chỉ đạo tổng công tố bang đánh giá kỹ về cách ứng phó tình huống khẩn cấp, với sự tham gia của các điều tra viên, chuyên gia bên ngoài và nêu rõ đây "không phải một cuộc điều tra hình sự".
"Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm lúc này là học cách giữ bản thân mình an toàn hơn trong tương lai", ông Green nói.
Khung cảnh tan hoang sau khi thảm họa cháy rừng xảy ra tại Hawaii. Ảnh: Reuters
Nguyên nhân dẫn tới đám cháy hiện vẫn chưa được xác định, nhưng công ty điện lực Hawaiian Electric đang phải đối mặt với những chỉ trích vì không cắt điện khi có cảnh báo gió lớn và vẫn duy trì nguồn điện ngay cả khi hàng chục cột điện bắt đầu đổ.
Whisker Labs, công ty thu thập và phân tích dữ liệu lưới điện trên đảo Maui, cho biết đã phát hiện hàng loạt sự cố lớn trên lưới điện chỉ vài giờ trước khi ngọn lửa bùng phát ngày 8/8. "Một trong những sự cố đó có thể dẫn tới chớp lửa và cháy", giám đốc điều hành Whisker Labs – ông Bob Marshall nói.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ duy trì cam kết giúp đỡ người dân Maui vượt qua đau thương, phục hồi và tái thiết.
Phát biểu trong một video được phát sóng trên chương trình "Good Morning America" của đài ABC, Tổng thống Biden cho biết đã triển khai hàng trăm nhân viên ứng phó khẩn cấp, cung cấp hàng nghìn bữa ăn và nhu yếu phẩm đến thị trấn.
Thông tin mới nhất từ phía Nhà Trắng cho biết, ông Biden đã chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Các cá nhân bị ảnh hưởng tại hạt Maui sẽ nhận được trợ cấp của chính quyền bang để dựng nhà ở tạm và sửa nhà. Chính quyền bang cũng hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp những khoản vay chi phí thấp để bù đắp tổn thất tài sản không có bảo hiểm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty
Ngày 8/8, 3 đám cháy đã bùng lên và càn quét thị trấn du lịch nổi tiếng Lahaina cùng một số khu vực khác trên đảo Maui, san bằng thị trấn và thiêu rụi gần như mọi thứ trên đường di chuyển. Thảm thực vật khô dày kết hợp gió mạnh khiến đám cháy lan nhanh đến mức nhiều người trong thị trấn không kịp sơ tán. Cường độ đám cháy và quy mô tàn phá khiến việc xác định danh tính nạn nhân rất khó khăn. Nhiều thi thể đã bắt đầu phân hủy khi được lực lượng tìm kiếm phát hiện. Cảnh sát đang khuyến khích những người có thân nhân mất tích cung cấp mẫu ADN để đẩy nhanh quá trình nhận dạng. |
Mộc Miên (Theo New York Post)