(ĐSPL) - Một thai phụ sinh năm 1986 ở Bình Dương bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi ra vườn cạo mủ cao su phải nhập viện trong tình trạng vết cắn sưng to, chảy máu không cầm do rối loạn đông máu.
[mecloud]zOVywePSEX[/mecloud]
Theo tin tức từ báo Vnexpress, chỉ trong 3 tuần tháng 6, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 111 ca bị rắn cắn, trong đó có 80 ca bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, có cả phụ nữ mang thai.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân mang thai đã 14 tuần, sau khi nhập viện được nhanh chóng truyền huyết thanh kháng nọc rắn và theo dõi điều trị tích cực. Hiện các vết chỉ số xét nghiệm đã dần trở lại bình thường. Thai nhi được siêu âm để đánh giá tình trạng.
Bệnh nhân điều trị rắn cắn tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Lê Phương/báo Vnexpress). |
Bác sĩ Hùng cho hay: "Thai phụ rắn lục đuôi đỏ cắn có khả năng biến chứng nặng nề, xuất huyết sau bánh nhau, thường phải điều trị đặc biệt tích cực hơn. Nếu bệnh nhân đến viện trễ, diễn tiến nặng có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra đối với người trong máu bị rối loạn đông máu thường dẫn đến xuất huyết không cầm, băng huyết, có nguy cơ phải cắt tử cung".
Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 800 – 1.000 ca rắn cắn, trong đó cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 8.
Trên báo Infonet, bác sĩ Hùng cho biết thêm, tùy từng loại rắn mà nạn nhân có các dấu hiệu khác nhau. Đối với nhóm rắn lục, bệnh nhân sẽ bị sưng đau, xuất huyết tại chỗ rắn cắn, sau đó có các dấu hiệu rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi trong cơ thể (chảy máu chân răng, chảy máu cam…), xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, sốc phản vệ và dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Riêng phụ nữ mang thai bị rắn cắn có thể dẫn đến xuất huyết nhau thai, sảy thai, sinh non, băng huyết, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng do sơ cứu không đúng cách. Các lỗi thường gặp nhất đối với nạn nhân bị rắn cắn là garo không đúng cách dẫn đến hoại tử các bộ phận cơ thể hoặc nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết do đến các thầy lang rạch vết rắn cắn, đắp lá…
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị rắn cắn, đầu tiên phải trấn an tinh thần nạn nhân, sau đó rửa vết thương bằng nước sạch và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện trong 6 tiếng đầu tiên sau khi bị rắn cắn, khả năng cứu chữa sẽ cao hơn, ít có biến chứng.
Những khu vực dễ có rắn lục đuôi đỏ ở TP.HCM là quận 9, quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn…
LINH SAN (Tổng hợp)