Lì xì mừng tuổi là một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền. Người lớn lì xì cho trẻ em, con cái lì xì cha mẹ, ông bà, cùng với những lời chúc sức khỏe, may mắn. Thường thì người ta cũng không quá chú trọng đến số tiền bên trong lì xì mà chủ yếu là lan tỏa tinh thần năm mới.
Không cần phải đeo thêm phụ kiện cầu kỳ, chủ nhân chiếc nhẫn này làm luôn mã QR Code ngân hàng lên chiếc nhẫn. Ảnh: VTC News
Trào lưu in mã QR nhận lì xì lên ngôi, dân tình đua nhau “bắt trend”
Đang tìm chỗ đổi tiền lẻ để mừng tuổi, Ánh Hằng được gợi ý in mã QR tài khoản ngân hàng cho con để Tết này tiện trao đổi tiền lì xì với bạn bè.
Thấy cũng hợp lý, Hằng, 27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội liên hệ một shop chuyên làm quà tặng và được hướng dẫn tải mã QR của mình về, gửi kèm ảnh để làm một chiếc kẹp tóc cho con gái và một chiếc cài áo cho con trai.
"Chỉ mất ba ngày và 80.000 đồng cả phí vận chuyển, tôi nhận được hàng. Sản phẩm in sắc nét và lần nào thử cũng “quẹt” được tiền", Hằng nói.
Cả nhóm bạn của cô đều làm kẹp tóc, móc khóa, huy hiệu và sẵn sàng chờ Tết này cùng giao lưu màn trao lì xì kiểu mới.
Theo Vnexpress, tại TP.HCM, anh Minh Nhật, 31 tuổi lướt mạng xã hội thấy quảng cáo của một cơ sở có thể in mã QR lên ốp điện thoại theo chủ đề năm mới. Thấy hay anh đặt một cặp in mã tài khoản ngân hàng của mình và vợ để tiện sử dụng lì xì Tết này. Với số tiền khoảng 200.000 đồng và vài ngày chờ đợi, anh đã nhận được cặp ốp màu đỏ bắt mắt, mã QR code "rất nhạy".
Túi đựng tiền lì xì đầu năm mới của một em bé được mẹ gắn mã QR. Ảnh: VTC News
"Cả một năm kinh tế buồn. Mùa Tết này đành trông cậy các con", ông bố hai con nói tếu táo.
Những ngày qua, bức ảnh không nhận phong bao, lì xì, chỉ cần quẹt mã QR mừng tuổi được lan truyền trên các mạng xã hội. Từ khóa "lì xì bằng QR code" cho ra hàng nghìn kết quả cho thấy đã có rất nhiều người "bắt trend".
Anh Lê Văn Tiến, 34 tuổi, ở trong số này khi tải ảnh về ghép mặt hai con và mã QR của mình vào, rồi đăng lên trang cá nhân kèm thông báo: "Năm nay dự báo Tết đã lạnh lại mưa. Các cô, dì, chú, bác, họ hàng gần xa không biết lì xì các cháu kiểu gì thì cứ quẹt cái QR code ở ảnh này là các cháu nhận được".
Lì xì bằng cách chuyển khoản ngân hàng qua mã QR đang là một xu hướng sẽ được nhiều người áp dụng Tết Giáp Thìn, với đa dạng các hình thức, từ dùng các loại kẹp tóc, móc khóa đến ốp lưng điện thoại, quần áo in mã QR, hay đơn giản là chia sẻ mã của mình lên trang cá nhân.
Trên mạng, có một số hội nhóm kẹp tóc in mã QR theo yêu cầu có tới 10.000 thành viên. Từ khóa "lì xì QR code" thu hút hơn 150.000 lượt xem trên TikTok. Trên các sàn thương mại điện tử, có hàng chục shop bán kẹp tóc, móc khóa, ốp lưng điện thoại in mã QR, giá dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng tùy cửa hàng. Có shop bán được cả nghìn sản phẩm với hàng trăm lượt đánh giá tốt.
Kẹp tóc in mã QR code. Ảnh: Vnexpress
Nhiều người xem lì xì bằng cách quét mã QR là vô cùng tiện lợi
"Hôm nay mình đi chúc Tết cũng gặp một vài cháu bé đeo nơ có mã QR trên đầu. Nhìn cũng đáng yêu mà. Mình mở điện thoại quét chuyển tiền lì xì cho các cháu, nhanh, gọn, lẹ. Mình vốn không phải là người thích dùng tiền mặt, cả năm nay đi chợ mua mớ rau còn chuyển khoản nên rất thích cách "chơi Tết" này của bố mẹ cháu", Hồng Nhung chia sẻ trên báo Tổ Quốc.
Cũng theo chị Hồng Nhung, thật ra việc quét mã như này vào ngày Tết cũng rất tế nhị bởi các cháu sẽ không biết ngay về giá trị đồng tiền mà vui vẻ khi biết đã được lì xì. "Có nhiều cháu nhỏ từng bóc lì xì ngay trước mặt mình và tỏ biểu cảm lạ khi không phải số tiền như ý. Chuyển khoản cũng là cách giúp bố mẹ không khó xử những tình huống như vậy. Còn đương nhiên, mình vẫn chuẩn bị cả tiền mặt cho vào phong bao lì xì nếu như không có ai để mã QR". .
Lì xì bằng việc quét mã QR liệu là sự tiện lợi hay làm mất đi sự may mắn ngày Tết?
Phó giáo sư Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết tiền lì xì có xuất phát điểm là phong tục của người Trung Quốc, với ý nghĩa thể hiện mong ước những điều tốt lành, may mắn, sức khỏe cho trẻ em. Qua nghiên cứu, ở Việt Nam ban đầu lì xì chỉ hình thành trong nhà buôn, nhà sản xuất, họ có lợi nhuận và chia cho các cháu nhỏ thân thiết với cầu mong cho công việc của mình thuận lợi.
"Nguyên tắc của lì xì là tiền mới, mệnh giá nhỏ", phó giáo sư cho biết.
Theo chuyên gia văn hóa, nhận lì xì qua mã QR là hình thức mới, chưa thể đánh giá tích cực hay tiêu cực, nhưng có thể nhận thấy rõ sự tiện lợi. Người muốn mừng tuổi không cần đổi tiền mới, không cần mua phong bao, không cần đến tận nhà giáp mặt trẻ.
Sự tiện lợi này càng lớn khi người muốn mừng tuổi không có điều kiện đi chúc Tết, như ở xa, không về quê ăn Tết được hoặc không đi thăm nhau được vì ốm đau, hoặc bận công việc.
Hot kid Pamyeuoi cũng được bố mẹ cho đu tren QR code. Ảnh: VTC News
Số tiền lì xì cho trẻ được vào tài khoản của bố (hoặc mẹ), nên trẻ không trực tiếp nhận phong bao, không tò mò, nóng vội mở ra xem, từ đó có thể tránh việc so sánh với người khác, chê bai, dè bỉu công khai - vốn là hành vi phản cảm của trẻ đã và đang bị lên án từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, lì xì chuyển khoản không thuận với phong tục truyền thống. Bởi lẽ người mừng tuổi không trực tiếp gặp trẻ để bày tỏ tình cảm thân mật, động viên nếu trẻ có nhiều thành tích, nhân việc đưa phong bao mừng tuổi mà khuyên nhủ chúng học hành, rèn luyện.
"Theo tôi, chỉ nên xem nó là một dạng thức mới của tục lì xì trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển. Vẫn cần cố gắng duy trì việc đến thăm nhau ngày Tết và trao lì xì tận tay đứa trẻ", ông Đính nói.
Trường hợp không thể đến thăm nhau, buộc phải chuyển khoản thì vẫn nên lì xì số tiền vừa phải, không nên mừng nhiều tiền. Bố mẹ cần thông báo cho con biết là bác (chú, cô, anh chị) nào mừng, số tiền là bao nhiêu, lời nhắn nhủ động viên là gì, để trẻ được biết và có ý thức tiếp nhận tình cảm đó. Bố mẹ cần quản số tiền đó và hướng dẫn con cái sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Nhà tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cho biết thêm lì xì bằng chuyển khoản QR code tuy là thuận tiện, vui vẻ nhưng dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm là quá thực dụng.
"Việc quét mã QR sẽ làm mất đi một nét đẹp trong việc lì xì, đó là không có phong bao đầy sắc xuân cùng lời chúc, nhắn gửi trên bao. Tiền có thể tiêu đi nhưng bao lì xì và lời chúc có thể lưu giữ lâu dài", bà Nga nói.
Hơn nữa, cách quét QR cũng không phù hợp với những người lớn tuổi không quen sử dụng công nghệ.
Theo nhà tâm lý, trào lưu này chỉ nên áp dụng trong nhóm những người trẻ và thân thiết với nhau, chủ yếu là để vui. Không nên áp dụng rộng rãi với các đối tượng khác, có thể dẫn đến tình huống khó xử. Cha mẹ nên nói với con rằng việc quét mã QR chủ yếu để vui vẻ và trải nghiệm cách sử dụng tiền online, cần nhấn mạnh với con ý nghĩa của việc lì xì và vẫn cần trân trọng cách mừng tuổi truyền thống.
Thùy Dung (T/h)