Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không vốn là thạch hầu sinh ra từ mảnh đá Ngũ sắc, hấp thụ linh khí thiên địa ngàn năm, nên bản lĩnh vô cùng lợi hại. Không những thế, hầu tử còn là đệ tử chân truyền của Bồ Đề Tổ Sư, được người dạy cho 72 phép biến hoá thần thông vô cùng lợi hại. Xét về bản lĩnh, Ngộ Không được đánh giá rất cao trong Tam giới.
Tuy nhiên, ít lâu sau khi xuất sư, trong lúc ngủ say, Ngộ Không đã trông thấy Hắc Bạch Vô Thường, một người cầm vòng, một người nắm giấy, có đề ba chữ "Tôn Ngộ Không", hối hả tròng vòng vào cổ, dắt hầu tử đi.
Hắc Bạch Vô Thường có thể dễ dàng kéo hồn Tôn Ngộ Không xuống Địa phủ dù pháp lực không cao bằng hầu tử.
Khi được đưa đến một nơi cung điện nguy nga có tấm bảng đề ba chữ "U Minh Giới", Ngộ Không mới thất kinh lẩm bẩm: "Nơi đây là âm phủ sao dắt ta đến đây làm gì?"
Lúc này, hai người kia mới giải thích: "Nhà ngươi tới số phải trở về Diêm chúa, nên hai ta là quỷ vô thường, vâng chỉ đến bắt ngươi đây".
Không chấp nhận chuyện này, Tôn Ngộ Không đã đại náo Địa phủ, đòi gặp Diêm Vương và thậm chí còn lấy sổ Sinh tử, tự ý xoá tên mình khỏi đó. Sự việc này đã khẳng định phép thuật và bản lĩnh của Tôn Ngộ Không vô cùng lợi hại, đến Diêm Vương mà hầu tử cũng không ngại đắc tội.
Câu chuyện này đã khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi thắc mắc vì sao một người lợi hại như Ngộ Không lại chịu để Hắc Bạch Vô Thương kéo hồn đi.
Lý giải vấn đề trên, có quan điểm cho rằng Tôn Ngộ Không khi ấy chỉ là một con khỉ bình thường chỉ hơn một điểm là biết Đạo pháp. Ngoài ra, ngay khi Bồ Đề Tổ Sư đặt tên cho Tôn Ngộ Không thì cái tên này đã xuất hiện trong sổ Sinh tử của Diêm Vương. Do đó, khi số mệnh của Ngộ Không kết thúc, Hắc Bạch Vô Thường chỉ làm đúng chức trách là đưa hồn của hầu tử xuống Địa phủ, bản thân Ngộ Không khi ấy dù có lợi hại đến đâu cũng không thể chống lại điều này.
Minh Hạnh (T/h)