Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ được cho là sở hữu sức mạnh hàng đầu thế giới, tuy nhiên, chúng có nhược điểm là không thể nhận tiếp tế trên biển.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tốt nhất thế giới. Ảnh minh hoạ: Getty |
Hải quân Mỹ đang thử nghiệm phương pháp mới để hỗ trợ hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trong các cuộc tuần tra hàng tháng trời trên biển. Cụ thể, họ đang thử nghiệm một loại tàu chở hàng mới để xác định xem chúng có thể đảm đương thêm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu ngầm hay không.
Vào ngày 11/3/2019, tại bến cảng Apra trên đảo Guam của Thái Bình Dương, tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles USS Oklahoma City đã neo đậu cùng với tàu chở hàng khô lớp Lewis and Clark của Bộ chỉ huy quân sự USNS Cesar Chavez. Hải quân gọi đây là "chiếc đầu tiên được thiết kế, phát triển để đánh giá khả năng của các tàu tiếp tế trong việc duy trì hoạt động của tàu ngầm tại môi trường viễn chinh”.
Trên thực tế, đây là sự kết hợp lần đầu tiên của một tàu ngầm Mỹ và một tàu chở hàng khô. Trước đây, tàu chở hàng chỉ làm nhiệm vụ hậu cần, vận chuyển và cung cấp nhiều loại hàng hoá như đạn dược, thực phẩm, số ít nhiên liệu, các thiết bị sửa chữa cho tàu ngầm của Mỹ và đồng minh trên biển. Tuy nhiên, với kế hoạch mới nhất, có vẻ như Hải quân Mỹ muốn kiểm chứng xem liệu một chiếc tàu ngầm có thể di chuyển an toàn bên cạnh một tàu chở hàng hay không. Nếu thành công, bước tiến này có thể tạo điều kiện cho việc vận chuyển vũ khí, các vật dụng sửa chữa quan trọng và cung cấp khả năng hỗ trợ cho phi hành đoàn nghỉ ngơi.
Bộ chỉ huy Hải quân và Lầu Năm Góc đã cùng nhau lựa chọn tàu lớp Emory S. Land cho thử nghiệm. Theo đó, con tàu có trọng tải 23.000 tấn tự hào được trang bị "đầy đủ các cơ sở y tế và nha khoa, cần cẩu, thang máy cũng như băng tải để di chuyển vật liệu trên và ngoài tàu cũng như giữa các boong, khu vực lưu trữ lớn cho thực phẩm khô và lạnh, thiết bị sửa chữa và thử nghiệm điện và điện tử, sửa chữa vỏ tàu, gia công kim loại và thép, chế tạo ống, thiết bị đúc, chế biến gỗ, in ấn, lặn và cứu hộ dưới nước, quản lý vật liệu nguy hiểm cùng với hệ thống vũ khí phục vụ sửa chữa đến 12 động cơ hạt nhân trong quá trình tàu ngầm tấn công”.
Việc kết hợp tàu trở hàng di chuyển cạnh tàu ngầm có thể tạo bước ngoặt trong việc gia tăng sức mạnh tấn công. Ảnh minh hoạ: Getty |
Đội tàu có lẽ sẽ dành phần lớn thời gian triển khai trong 6 tháng để tuần tra vùng biển gần Trung Quốc.
Hiện nay, Bộ chỉ huy quân sự, chi nhánh vận tải và hỗ trợ quân sự của Hải quân Mỹ đang điều hành 14 tàu chở hàng lớp Lewis and Clark. Những con tàu này dài khoảng 210 mét, có lực giãn nước 45.000 tấn nước. Các tàu chở hàng đã đi vào hoạt động từ năm 2006 - 2012. Lớp Lewis and Clark chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chở hàng khô, vận chuyển thực phẩm, các bộ phận và các nhu yếu phẩm khác cho các nhóm chiến đấu của Hải quân cách xa cảng nhà. Tuy nhiên, gần đây Hải quân đã thiết kế lớp Lewis and Clark trở nên linh hoạt hơn. Các phi hành đoàn có thể cấu hình lại các khoang hàng hóa khổng lồ của tàu bằng các mô-đun đặc biệt, biến các tàu chở hàng thành bệnh viện nổi, tàu viện trợ nhân đạo hoặc căn cứ chỉ huy.
Vào năm 2009, một tàu lớp Lewis and Clark đã phục vụ như một nhà tù nổi tạm thời cho những tên cướp biển Somalia mà Hải quân đã bắt được ở Ấn Độ Dương.
Nếu các thử nghiệm ở đảo Guam chứng minh rằng các tàu lớp Lewis and Clark cũng có thể hỗ trợ tàu ngầm thì Hải quân có thể có thêm sự lựa chọn, cho phép tàu ngầm hạt nhân được tiếp nhiên liệu ngay trên biển. "Khả năng neo đậu bên cạnh tàu tiếp tế là một vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta có thể tích hợp thành công, nó sẽ giảm sự phụ thuộc với tàu hậu cần hiện nay, tạo ra sự tiết kiệm đáng kể chi phí và tăng cường khả năng vận hành trong một khoảng thời gian dài hơn từ các cảng lớn", Đô đốc Steven Lawrence phụ trách hoạt động của đội tàu ở thành phố Oklahoma nhận định.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)