Trên toàn thế giới chỉ có 7 quốc gia sở hữu tàu ngầm tên lửa đạn đạo (tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo do tàu ngầm khai thác với đầu đạn hạt nhân).
Những quốc gia được cho là sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Naval Analyses |
Tàu ngầm hạt nhân là phương tiện chiến đấu đáng tin cậy nhất. Những con tàu này được cho là vẫn sẽ sống sót sau khi trải qua một cuộc tấn công phủ đầu cũng như những hành động trả đũa. Những gã khổng lồ dưới nước đáng sợ này ẩn trong các đại dương, tránh bị phát hiện bằng mọi giá và luôn sẵn sàng cho mọi thời điểm cần thiết.
Cho đến đầu những năm 1980, chỉ có 4 quốc gia trên thế giới có tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBNs) là 2 cường quốc, Liên Xô và Mỹ cùng với Vương quốc Anh và Pháp. Đến năm 1987, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 5 làm chủ công nghệ hiện đại này sau khi vận hành một tàu ngầm hạng Xia, chiếc SSBN đầu tiên được thiết kế và chế tạo ở châu Á. Cho đến một vài năm trước đây, 2 quốc gia khác đã gia nhập câu lạc bộ những gã khổng lồ dưới nước là Ấn Độ với tàu ngầm đầu tiên lớp Arihant và Triều Tiên với tàu ngầm tên lửa đạn đạo Sinpo (còn gọi là Gorae).
Hải quân Mỹ hiện đang vận hành đội tàu hạt nhân lớn nhất, bao gồm 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân hạng nặng 18.800 tấn của Ohio (SSBNs). Pháp và Vương quốc Anh vận hành 4 chiếc SSBN. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân của Pháp thuộc lớp Triomphant, nặng tới 14,300 tấn còn của Anh là lớp Vanguard nặng 15.900 tấn. Tất cả các tàu ngầm của Mỹ, Pháp và Anh đều được cung cấp năng lượng hạt nhân và là tàu ngầm lớn nhất từng được xây dựng bởi mỗi quốc gia.
Tàu USS Ohio của Mỹ. Ảnh: Getty |
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ và tàu ngầm lớp Vanguard của Anh đều mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II - với 24 SLBM trên mỗi tàu lớp Ohio và 16 SLBM trên mỗi tàu lớp Vanguard. Trong đó, mỗi tên lửa Trident II lại có khả năng tấn công từ 8 đến 12 mục tiêu độc lập tính theo Xe Reentry (MIRVs – chỉ khả năng chứa nhiều đầu đạn nhiệt hạch) với tầm bắn lên đến gần 12.000 km. Về phần mình, những tàu ngầm lớp Triomphant của Pháp trang bị 16 tên lửa M51, trong khi mỗi M51 mang 10 MIRVs và có tầm bắn lên tới gần 10.000 km.
Hải quân Nga đang duy trì một phi đội tàu ngầm hạt nhân gồm 4 tàu lớp Borei I 24.000 tấn (tàu thứ 4 và cũng là tàu chính của lớp Borei II tên là Knyaz Vladimir dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018). Mỗi tàu ngầm lớp Borei có thể phóng 16 tên lửa đạn đạo Bulava, có tầm bắn 10.000 km với khả năng mang từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân.
Ngoài ra Nga còn có 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Delta IV, một chiếc thuộc Delta III (Ryazan) đã đại tu gần đây và một chiếc tàu ngầm hạng nặng khổng lồ lớp Typhoon - Dmitri Donskoy (TK-208), hiện đang phục vụ như một tàu thử nghiệm tên lửa. Dmitri Donskoy có lực giãn nước ước tính đạt tới hơn 48.000 tấn.
Yuri Dolgoruky, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei của Nga. Ảnh: Getty |
Bảy tàu ngầm hạt nhân lớp Delta III và IV SSBN có khả năng mang theo 16 tên lửa Sineva cũ, trang bị từ 4 đến 8 đầu đạn và có tầm bắn hơn 8 km với trọng tải đầy đủ. Nguồn tin của Popular Mechanics cho biết các tên lửa Sineva đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn Layner mới, có thể mang đến 12 đầu đạn.
Hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc bao gồm ít nhất 4 (hoặc 6) chiếc lớp Jin (Type 094/094A), cũng như lớp Xia duy nhất (Type 092). Một số nguồn báo cáo cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sở hữu cả một biến thể tàu ngầm hạt nhân phụ gọi là Type 092G.
Trung Quốc cũng duy trì hoạt động của một tàu ngầm duy nhất Type 032 thuộc lớp "Qing" - một tàu ngầm điện diesel đang được thử nghiệm. Type 032 được cho là tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới, với lực giãn nước đạt 6.628 tấn và chiều dài 93 m. Con tàu ấn tượng này được trang bị một số ống phóng ngư lôi từ 533 đến 650 mm, 2 đến 3 silo tên lửa và 4 ống phóng dọc VLS cho tên lửa hành trình, tên lửa chống tàu và tên lửa chống tàu ngầm ở phần phía trước. Type 032 cũng thử nghiệm các công nghệ mới bao gồm ngư lôi, tên lửa và phương tiện dưới biển không người lái.
Tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Ấn Độ cùng với Triều Tiên là những quốc gia mới nghiên cứu, phát triển tàu ngầm hạt nhân. Chiếc tàu chiến Arihant 8.000 tấn đã gia nhập Hải quân Ấn Độ vào năm 2016 và là tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ấn Độ thiết kế và chế tạo. Ngoài ra, Arihant cũng đồng thời là tàu ngầm đầu tiên được xây dựng bởi một quốc gia không phải là 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tàu Arihant mang theo 12 tên lửa K-15, phân phối đều trong 4 bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị một đầu đạn hạt nhân với tầm bắn khoảng 750 km. Một chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ 2, lớn hơn Arihant một chút sẽ gia nhập hạm đội năm 2018 với 8 bệ phóng trang bị 8 tên lửa K-4 hoặc 24 tên lửa K-15.
Tàu ngầm lớp Sinpo (còn được gọi là Gorae) nặng 1.700 tấn là loại tàu ngầm lớn nhất từng được thiết kế và đóng tại Triều Tiên. Tên của lớp tàu này được đặt theo thành phố nơi đặt xưởng chế tạo, Sinpo có thể dựa trên thiết kế tàu ngầm lớp Heroj và Sava của Nam Tư.
Tàu có chiều dài 65 m; rộng 6,5 m; trang bị 2 ống phóng tên lửa đạn đạo đặt trong phần thượng tầng, kiểu thiết kế này tương tự tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Golf do Liên Xô phát triển.
Việc đặt các ống phóng tên lửa đạn đạo vào tháp chỉ huy giúp không phải chế tạo phần thân tàu lớn hơn để đủ diện tích chứa ống phóng, phương án này tuy có ưu điểm gọn nhẹ nhưng lại hạn chế số lượng tên lửa mang theo. Tàu ngầm lớp Sinpo được cho là có khả năng phóng tên lửa đạn đạo KN-11 trong khi đang lặn thay vì phải nổi lên mặt nước như tàu ngầm lớp Golf. Do kích thước ống phóng của Sinpo khá nhỏ nên dự đoán tên lửa KN-11 có tầm bắn chỉ vào khoảng 200 km.
Theo nguồn tin tình báo của Mỹ, dường như Triều Tiên đang phát triển một tàu ngầm mới, được gọi là Sinpo-C. Con tàu này lớn hơn con tàu đầu tiên và có lẽ có mức giãn nước đạt hơn 2.000 tấn. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về tàu ngầm hạt nhân mới của Bình Nhưỡng vẫn chưa được công bố.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Popular Mechanics)