Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tăng cường bảo tồn loài sếu đầu đỏ

(DS&PL) -

Từng được coi là vương quốc của loài sếu đầu đỏ, một trong những loài vật đặc biệt quý hiếm, được ghi trong sách đỏ của thế giới.

Từng được coi là vương quốc của loài sếu đầu đỏ, một trong những loài vật đặc biệt quý hiếm, được ghi trong sách đỏ của thế giới, nhưng hiện nay khu vực đồng cỏ bàng, cỏ năng ở phía biên giới Tây Nam, trải dài qua các vùng như Đồng Tháp Mười, An Giang, Kiên Giang…cũng đang dần vắng bóng loài chim đẹp đẽ này.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do môi trường sống tự nhiên của chúng đã bị thay đổi cũng như nạn săn bắt sếu diễn ra nhiều khiến vùng đất này dần trở thành nỗi khiếp sợ của sếu. Chính vì vậy, khi đến mùa di trú, nhiều đàn chim sếu đầu đỏ đã theo nhau bỏ đi khiến nhiều chuyên gia dự đoán rằng, điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng sinh thái ở vùng đất phèn mặn đặc trưng này.
Khi đàn sếu không về
Theo tìm hiểu, sếu đầu đỏ là loài chim có màu xám bạc ánh thép, khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một vệt màu đỏ rất nổi bật, đồng thời vằn trên cánh và đuôi có một vệt màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu có màu xanh sừng, chân đỏ. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao từ 1,5-1,8m và sải cánh dài từ 2,2-2,5m và có trọng lượng trung bình 8-10kg. Sếu đầu đỏ là một loài chim ăn tạp với thức ăn thường là cua, cá, lúa.. nhưng nguồn thức ăn chính của chúng là củ năng, đây là loài thực vật chỉ mọc ở những vùng đất ngập nước và bị nhiễm phèn. Và, đây gần như chính là nguyên nhân khiến loài chim đặc biệt này thường tìm về nhiều vùng đất ở nước ta. Cụ thể, tại một số nơi như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường có đàn sếu bay về khi mùa nước nổi hàng năm chính là vùng biên giới giáp ranh với Campuchia. Đó là khu vực Tràm Chim (huyện Tràm Chim, Đồng Tháp), là vùng Phú Mỹ (Giang Thành, Kiên Giang) hay những cánh đồng cỏ hoang ở Đồng Tháp Mười. Theo những người nông dân sinh sống lâu năm ở đây, sếu đầu đỏ là loài vật thường đi theo đàn, có khi tới cả trăm con. Chúng thường sinh sống ở những khu vực trên một khoảng thời gian khá dài, kéo tới tận hết mùa xuân năm sau mới bắt đầu di chuyển sang những vùng đất khác, có khi ở Thái Lan, ở Lào hay Campuchia để bắt đầu một vòng sống mới. Có thể nói, việc là nơi tập trung của nhiều cá thể sếu quý hiếm đã biến vùng đất hoang ở biên giới thành những khu vực bảo tồn động vật quý hiếm. Cụ thể như khu vực Tràm Chim, Phú Mỹ đã gấp rút được bảo tồn để duy trì môi trường sống cho loài chim này.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về những loài động vật hoang dã, tại những khu vực trên ở Việt Nam luôn thu hút được đông đảo những đàn sếu đầu đỏ là bởi ở đó có những cánh rừng ngập nước, có những khu đồng cỏ hoang, thảm thực vật cũng như một số loài thủy sinh vật. Đây chính là điều kiện sống lý tưởng cả về mặt trú ẩn lẫn tìm kiếm thức ăn của những đàn sếu đầu đỏ, nhất là khi mùa nước nổi về. Hơn nữa, vào mùa nước nổi tràn về, hầu hết nơi này đều bỏ hoang, không gian môi trường sống rộng lớn khiến sếu đầu đỏ vô cùng thích thú khi tìm đến cư ngụ tại nơi đây. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng đàn sếu thường bay về Việt Nam cách đây khoảng 30 là chừng 1.200 đến 1.500 con, tập trung ở nhiều vùng khác nhau như Tràm Chim, Kiên Giang… Không những vậy, tại nhiều nơi, sếu còn làm tổ, sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay thực tế đàn sếu chỉ còn chưa đầy trăm con mà lại luôn di chuyển địa điểm sống. Nhiều khu vực mà trước đây sếu sống nhiều thì nay chỉ mong sếu bay về cũng khó khăn. Hơn nữa, nhiều khi đàn sếu về rồi lại vội vã bỏ ra đi bởi không còn môi trường sống phù hợp và nguồn thức ăn tự nhiên của chúng cũng biến mất.
Băn khoăn phương pháp bảo tồn
Nguyên nhân của tình trạng sếu đầu đỏ dời bỏ vùng đất lâu năm này, theo giải thích của hội Sếu quốc tế thì do môi trường sống ở những khu vực trên của lãnh thổ Việt Nam đã không còn phù hợp với chúng. Cụ thể, nhiều cánh đồng cỏ năng, thế giới riêng của sếu đầu đỏ đã bị thay thế bởi những cánh đồng lúa, đồng tôm của nông dân. Ngay như khu vực Phú Mỹ, mặc dù Hội Sếu quốc tế đã kết hợp với một số công ty đầu tư dự án bảo tồn đồng cỏ năng rộng lớn hàng trăm héc-ta với mục đích “gọi” đàn sếu về, nhưng thực tế, sau gần mười năm triển khai dự án, tỷ lệ sếu tìm đến đây chưa được như dự định. Nguyên nhân là do nhiều người dân vẫn lén lút khai thác cỏ năng để làm nguyên liệu dệt chiếu, đan đồ thủ công mỹ nghệ. Có thể nói, khi thế giới tự nhiên của mình bị mất đi, bị thay đổi, loài sếu đầu đỏ này sẽ tìm cách bỏ đi. Theo một chuyên gia nghiên cứu về sếu, hiện nay đàn sếu ở khu vực Đông Nam Á thường có xu hướng tìm đến những đồng cỏ hoang ở phía lãnh thổ Campuchia, nơi giáp ranh với biên giới Việt Nam hơn là những đồng cỏ ở nước ta.
Ngoài ra, khu vực Tràm Chim, vùng đất từng được coi là thế giới rộng lớn của sếu đầu đỏ thì cách đây khoảng hai mươi năm, tình trạng phá rừng và săn bắt vô tội vạ đã khiến đàn sếu không còn đất sống, phải tìm đến những vùng đất khác. Vừa qua, mặc dù khu vực Tràm Chim đã có nhiều dự án trồng và phục hồi rừng, cũng như môi trường tự nhiên rừng ngập mặn nhưng thực tế, khu vực này vẫn chưa thu hút được đàn sếu đầu đỏ quay về. Với những người đã gắn bó với những cánh rừng ngập mặn ở Tràm Chim đều cho rằng, con người đã làm nhiều cách để thu hút đàn sếu trở về như việc thay đổi cả hệ thống kênh rạch, chế độ nước nhưng thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, sếu chỉ về theo những cá thể nhỏ lẻ, nhiều nhất thì cả năm cũng chỉ được chừng 20 cá thể. Chúng ở đó một thời gian ngắn trước khi tiếp tục di chuyển đi nơi khác.
Nói về tác hại của tình trạng những đàn sếu đầu đỏ theo nhau dời bỏ những địa phương nơi đây, Hội Sếu quốc tế cho rằng, sếu đầu đỏ là loài vật đặc trưng của hệ sinh thái phèn mặn nơi đây. Khi chúng bỏ đi có nghĩa là môi trường hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi này đã có những tác động tiêu cực tới chúng. Ngoài ra, khi đàn sếu đầu đỏ bỏ đi, nhiều loài sinh vật khác cũng dần bỏ đi theo do sự biến đổi của chuỗi thức ăn và những tác động cộng sinh lên sinh vật. Nghĩa là, xét về lâu dài, không chỉ riêng đàn sếu đầu đỏ mà hệ thống sinh vật của vùng nước ngập phèn mặn cùng với những loài sinh vật khác cũng đang dần cạn kiệt. Sự việc đàn sếu bỏ đi mới chỉ là tín hiệu cảnh báo bước đầu nếu chúng ta không gấp rút đưa ra những phương án hữu hiệu để giải quyết tình trạng này đồng thời bảo tồn những hệ sinh thái tự nhiên khác. Như một chuyên gia về sếu từng nhận xét thì việc biến những đồng cỏ năng, cỏ bàng thành những đồng tôm, đồng lúa không chỉ xóa xổ môi trường sống của loài sếu đầu đỏ mà ngay cả thảm thực vật cùng hàng trăm loài sinh vật sống trong môi trường phèn mặn cũng biến mất. Đó có thể coi là mất mát lớn nhất về môi trường và sự đa dạng sinh học mà con người ở đây phải đối mặt khi quyết định phát triển kinh tế theo hướng không bền vững, ít chú trọng đến những vấn đề môi trường.
Vì vậy, việc bảo tồn đàn sếu không chỉ có lợi ích cho toàn xã hội mà còn có ý nghĩa lâu dài cho những thế hệ mai sau bởi đây là loài vật có giá trị cao trong bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên bền vững. Hi vọng, trong tương lai sắp tới, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể và phù hợp để bảo vệ đàn sếu này. Như việc giáo dục ý thức trách nhiệm cũng như tinh thần tự giác của người dân trong vùng tạo điều kiện sống trong sạch cho đàn sếu khi đến mùa di trú. Đó chính là việc làm bức thiết bởi không chỉ có ý nghĩa với đàn sếu mà còn với cả con người cũng như hệ sinh thái ngập mặn đặc trưng của vùng đất này.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thong tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề về xã hội \_ phân viện phía nam.
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Email: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí

Tin nổi bật