Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tại sao còn chuyện cô giáo soi đèn pin soạn giáo án ở Quảng Bình?

(DS&PL) -

Khi dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời với vốn ODA của Hàn Quốc xấp xỉ 280 tỷ đồng đang triển khai, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phê duyệt dự án kéo điện lưới quốc gia

Khi dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời với vốn vay ODA của Hàn Quốc xấp xỉ 280 tỷ đồng đang triển khai, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phê duyệt dự án kéo điện lưới quốc gia với số vốn 368 tỷ đồng.

Cán bộ lừa dân?

Theo đó, trong khi dự án cấp điện bằng năng lượng đang được triển khai, ngày 16/10/2014, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình là ông Nguyễn Hữu Hoài đã ra Quyết định số 2908/QĐ - UBND, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình.

Chúng tôi xin chưa bàn tới tình trạng dự án chồng lên dự án đang gây một sự lãng phí rất lớn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đến nghịch lý buồn: Từ xưa đến nay, thầy cô giáo ở miền đất này, vẫn đang phải dùng đèn pin để soạn giáo án.

Đó là câu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra tại xã miền núi Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - một trong số địa phương được thụ hưởng từ dự án. Ông Nguyễn Trí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, người mà dân đổ tội 'cán bộ lừa' chia sẻ: Người dân Tân Trạch từ bao đời nay không có nguồn điện để thắp sáng, sinh hoạt. Trước đây, chúng tôi cũng có nghe về dự án điện năng lượng sử dụng nguồn vốn Hàn Quốc sẽ được triển khai tại địa phương, bà con rất phấn khởi, chờ đợi. Theo kế hoạch, dự án này sẽ triển khai cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy gì.

Ông Sỹ kể: 'Giữa năm 2012, cũng có một đoàn gồm người Việt và cả người Hàn Quốc về địa phương. Họ đi khảo sát, kiểm tra để chọn các điểm tiến hành làm điện năng lượng mặt trời cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, dự kiến đặt 3 trạm. Một trạm phục vụ cho UBND xã, trường học, trạm y tế với công suất 7.000W; 2 trạm phục vụ khu dân cư với công suất 4.000W'.

Nơi đây, dự kiến đặt dự án điện pin mặt trời

“Họ về làm việc không có văn bản gì lưu lại, nghe nói đi khảo sát để xem địa bàn thôi. Thế là từ đó, dân và cán bộ cứ chờ điện kéo về. Đến nay cũng hơn 2 năm rồi mà chưa thấy điện đâu, nhiều người dân bảo tôi là cán bộ lừa dân”, ông Sỹ thất vọng.

Nằm ở sâu hơn, sát biên giới Lào là đồng bào Macoong sống ở xã Thượng Trạch. Cũng giống như Tân Trạch, người dân xã Thượng Trạch đang từng ngày, từng giờ mong ngóng nguồn điện về với bản.

“Năm 2012, có dự án ODA của Hàn Quốc đến khảo sát chọn địa điểm đặt các thiết bị điện năng lượng mặt trời phục vụ nhân dân, nhưng kế hoạch đưa lên cho xã thì chưa có. Từ đó đến nay, không biết vì nguyên nhân gì, dự án vẫn chưa được triển khai, người dân vẫn chưa có điện để sử dụng”, ông Phạm Văn Bính, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thượng Trạch phân trần: 'Trong quá trình thực hiện cho chuyên môn, nghiệp vụ tại trạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp bệnh nhân tới cấp cứu vào ban đêm, phải sử dụng đèn sạc dự trữ. Nếu trường hợp không có đèn sạc thì phải dùng tới máy nổ'.

Cô giáo soi đèn pin soạn giáo án

Không có điện, đời sống của nhân dân hai xã miền núi Tân Trạch và Thượng Trạch gặp vô vàn khó khăn. Từ trong hang đá ra định cư bên ngoài khá lâu, nhưng cuộc sống của họ dường như chưa thoát khỏi cái bóng của tổ tiên mình. Không có điện, họ vô tình sống trong một vòng luẩn quẩn, hạn chế tiếp xúc với nền văn minh bên ngoài để được học hỏi, thay đổi mình.

Không có điện, ban đêm, người dân hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch phải đốt củi để lấy ánh sáng. Đối với họ, những vật dụng tối thiểu như đèn điện, quạt máy, tivi... là những vật dụng hết sức xa lạ. 'Xã Tân Trạch chỉ có 5, 6 hộ gia đình có điều kiện mua bình ắc quy về phát để thắp sáng. Hoặc một số gia đình mua được đèn dầu về thắp, còn lại đa số dùng củi làm ánh sáng. Cả xã chỉ có 1 cái tivi đặt ở trụ sở UBND xã, còn lại không có cái nào trong nhà dân', anh Hồ Sàn, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Trạch tâm sự.

Thầy Lê Văn Trương, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch chia sẻ: 'Đối với nhà trường chúng tôi, điện đang rất khan hiếm. Nó gây ra rất nhiều khó khăn cho thầy cô, học sinh trong quá trình giảng dạy và học. Mới đây, UBND xã cho một máy nổ chạy dầu, nhưng cũng phải dùng cực kỳ tiết kiệm'.

'Trường chúng tôi không tài nào đưa được môn học này vào công tác giảng dạy. Toàn trường có 30 giáo viên ở bán trú khu vực. Việc không có điện cũng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày của họ. Thậm chí nhiều giáo viên phải dùng đèn pin để soạn giáo án', thầy Trương buồn rầu.

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Kim Triều, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân – Thượng Trạch, trước mỗi ngày đứng lớp, các cô giáo phải dậy rất sớm đi bộ xuống suối gánh nước lên trường để sinh hoạt. Sau đó, họ mới mở cửa đón các cháu tới trường. 'Không có điện dẫn theo đó là rất nhiều hệ lụy khác, đơn cử như nguồn nước lấy từ khe suối lên, có rất nhiều hàm lượng vôi trong nước, lại không xử lý (lọc) sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ mắc các bệnh liên quan đến thận, da liễu, thậm chí là phụ khoa', cô Triều tâm sự.

Trong các cuộc trò chuyện cùng người dân cũng như cán bộ miền xuôi về cắm bản, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, miếng ăn đang phải lo nghĩ, nhưng tất cả họ đều mang trong lòng một khát khao có điện. Với họ, điện như báu vật, có thể giúp họ thay đổi được cuộc sống của mình một cách nhanh chóng nhất. Thế nhưng đến nay, họ vẫn phải chờ, chưa biết đến bao giờ, khi tất cả chỉ mới đang trên giấy tờ...

Nguồn tiền ngân sách và vốn vay nước ngoài đầu tư hơn 600 tỷ đồng để đưa điện thắp sáng đến các địa phương chưa có điện; trong đó có 2 xã nói trên. Được biết, dự án điện mặt trời đã khởi động từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa cho ra ánh sáng. Nhiều câu hỏi đang chờ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trả lời, làm sáng tỏ.

Tin nổi bật