Cập nhật tin tức cổ phiếu VFS trên tạp chí Người đưa tin, sau màn ra mắt ấn tượng tại Phố Wall, VinFast đã nhận được sự chú ý khi cổ phiếu của công ty liên tục biến động.
VFS tiếp tục giảm phiên thứ 2 và kết thúc ở mức 41,27 USD/cổ phiếu, giảm 10,77% trong phiên giao dịch hôm 30/8, đưa định giá thị trường của công ty xuống còn hơn 95 tỷ USD.
Trước đó 1 ngày, cổ phiếu này đã giảm tới 44%, chấm dứt chuỗi 6 ngày tăng điểm và mất 83 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Trong 2 tuần giao dịch trên Nasdaq, VFS được giao dịch cao nhất ở mức 82,35 USD và thấp nhất ở 15,40 USD/cổ phiếu. Định giá ban đầu của cổ phiếu này sau khi công ty sáp nhập với Black Spade chỉ ở mức 10 USD/cổ phiếu.
Forbes cập nhật lại giá trị tài sản đối với ông Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Dân trí
Tương ứng với sự sụt giá của cổ phiếu VinFast, tài sản của Chủ tịch Vingroup cũng giảm đáng kể. Theo tin tức chứng khoán trên báo Dân trí, trong ngày 30/8, thống kê theo khung thời gian thực của trang xếp hạng Forbes bất ngờ ghi nhận lại mức định giá tài sản đối với ông Phạm Nhật Vượng.
Theo đó, tài sản ông Vượng tại ngày 30/8 (giờ Mỹ) chỉ còn 6,7 tỷ USD. Với khối tài sản này, người giàu nhất Việt Nam hiện xếp thứ 396 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Cách tính này của Forbes khả năng đã loại bỏ ảnh hưởng của giá cổ phiếu VinFast đối với biến động tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.
Forbes từng ghi nhận giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng (theo thời gian thực) trong ngày 29/8 là 39 tỷ USD sau khi giá VFS của VinFast trên sàn Nasdaq giảm 43,84% xuống còn 46,25 USD/cổ phiếu.
Do tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do trên tổng số cổ phiếu lưu hành thấp (4,5 triệu trên 2,3 tỷ đơn vị) nên dao động giá của VFS thường rất sốc. Ngày 28/8, VFS có lúc tăng lên tới mức 93 USD trước khi đóng cửa tại 82,35 USD, tăng 19,75% so với ngày 27/8. Tài sản của ông Vượng thời điểm này ghi nhận ở mức 66 tỷ USD và xếp thứ 16 thế giới.
Trên thực tế, tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành giao dịch tự do quá thấp tại VFS cũng tạo ra những luồng tranh luận trái chiều trong thời gian qua.
Nhiều người cho rằng, việc định giá tài sản cổ đông sở hữu cổ phiếu và tính vốn hóa công ty dựa trên biến động cổ phiếu là điều bình thường và hiển nhiên đối với những công ty niêm yết.
Song, cũng có một số ý kiến đánh giá, biến động giá đó thực tế chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của những cổ đông thiểu số nắm khoảng 0,2% cổ phần doanh nghiệp. Việc đánh giá tài sản của cổ đông lớn chỉ có ý nghĩa khi cổ đông đó thực sự được phép giao dịch bán ra/mua vào cổ phiếu.
Vân Anh (T/h)