Theo dữ liệu từ FlightRadar24, một trang web theo dõi chuyến bay theo thời gian thực, ít nhất 3 máy bay vận tải quân sự của Nga đã bay từ Belarus đến Libya kể từ ngày 8/12 sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe nổi dậy lật đổ.
Dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy, chuyến bay gần đây nhất đã hạ cánh ở Benghazi, Libya vào sáng sớm 14/12.
Các chuyên gia tin rằng Nga đang di chuyển các trang thiết bị quân sự dự trữ ở Belarus, đồng minh thân cận nhất của nước này, tới Libya, nơi Nga đang nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự sau khi phe đối lập lật đổ chính quyền Syria.
"Những thách thức ở Syria dường như đang thúc đẩy Nga tăng cường hiện diện ở miền Đông Libya, ngay cả khi điều đó không nằm trong kế hoạch ban đầu của họ chỉ vài tuần trước" Jalel Harchaoui, chuyên gia về Bắc Phi và thành viên của Viện các quân chủng hoàng gia Anh, một tổ chức tư vấn quốc phòng có trụ sở tại London, nhận định.
Theo các nguồn tin quân sự và an ninh Syria, Mátxcơva đang rút quân khỏi tiền tuyến và rút một số thiết bị hạng nặng cùng các sĩ quan cấp cao Syria. Tuy nhiên, Nga không rút khỏi hai căn cứ quân sự chính của mình và hiện không có ý định làm như vậy.
Một số thiết bị đang được chuyển trở lại Mátxcơva cũng như các sĩ quan cấp cao quân đội Syria nhưng mục tiêu ở giai đoạn này là tập hợp lại và triển khai lại theo tình hình diễn biến trên thực địa.
Căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria. (Ảnh: The Moscow Times)
Một quan chức cấp cao phe đối lập gần gũi với chính quyền lâm thời mới nói với Reuters rằng vấn đề về sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria và các thỏa thuận trước đây giữa chính phủ Assad và Mátxcơva không được thảo luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 để hỗ trợ Tổng thống Assad khi phương Tây kêu gọi lật đổ ông, đã cấp cho tổng thống bị lật đổ tị nạn tại Nga.
Nga đã ủng hộ Syria kể từ đầu Chiến tranh Lạnh và đã công nhận nền độc lập của nước này vào năm 1944 khi Damascus tìm cách lật đổ chế độ thực dân Pháp.
Các căn cứ ở Syria là một phần không thể thiếu trong sự hiện diện quân sự toàn cầu của Nga: căn cứ hải quân Tartus là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, trong khi căn cứ không quân Hmeimim là một trạm trung chuyển chính cho hoạt động quân sự ở châu Phi.
Nga cũng có các trạm nghe lén ở Syria được điều hành cùng với các trạm tín hiệu của Syria, theo các nguồn tin tình báo phương Tây và quân đội Syria.