Các nhóm viện trợ và các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng một loạt trận động đất tàn khốc có thể làm trầm trọng thêm đợt bùng phát dịch tả ở Syria, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2022, tờ Al Jazeera đưa tin ngày 12/2 (giờ địa phương).
Các cảnh báo được đưa ra khi các hoạt động cứu hộ ngừng lại và hy vọng giảm dần trong bối cảnh các cuộc tìm kiếm còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ, 6 ngày sau một loạt trận động đất xảy ra trong khu vực. Tính đến ngày 12/2, số người tử vong đã tăng lên tới 35.000 ở hai quốc gia, với ít nhất 4.500 người chết ở Syria.
Trên khắp đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá, nơi Liên Hợp Quốc ước tính có 5,3 triệu người mất nhà cửa do thảm họa. “Có một cơn bão hoàn hảo ập đến trước trận động đất – đó là tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ, thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh kém”, Eva Hines, Giám đốc truyền thông của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại thủ đô Damascus của Syria, cho biết.
“Hơn một nửa số người ở Syria phụ thuộc vào các nguồn nước thay thế không an toàn khi nói đến nhu cầu nước của họ. Điều đó đương nhiên làm tăng tính dễ bị tổn thương đối với các bệnh lây lan nhanh qua đường nước như dịch tả”, bà Hines thông tin với Al Jazeera.
Lo ngại về dịch tả gia tăng ở Syria sau thảm kịch động đất gần đây. Ảnh: Al Jazeera.
Vào tháng 9/2022, chính phủ Syria đã tuyên bố bùng phát dịch tả - một bệnh nhiễm trùng tiêu chảy do ăn phải thức ăn hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Căn bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em.
Sự bùng phát dịch bệnh phần lớn là do cơ sở hạ tầng nước bị chiến tranh tàn phá của Syria, buộc người dân phải uống và tưới ruộng bằng nước bị ô nhiễm từ sông Euphrates ở phía Đông Bắc của đất nước.
Căn bệnh này nhanh chóng xâm chiếm các khu vực rộng lớn do phe đối lập kiểm soát ở phía Tây Bắc Syria, nơi có ít nhất 1,7 triệu người phải di dời do cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ của đất nước sống trong các trại đông đúc và khoảng 4 triệu người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo trước thảm họa.
Tính đến ngày 18/1, gần một nửa trong số 77.500 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tả ở nước này là ở khu vực phía Tây Bắc, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc, với 18% được phát hiện trong các trại dành cho người di tản trong nước.
Trong khi đó, hơn 2,1 triệu người ở Tây Bắc Syria sống ở “các quận có nguy cơ bùng phát dịch tả cao nhất”, theo OCHA.
Ông Marc Schakal, Giám đốc chương trình của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Mediecins Sans Frontieres, hay MSF) ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động tại các khu vực do phe đối lập nắm giữ, nói với Al Jazeera: “Có những khó khăn và lo ngại rất nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng chung của các trại di dời, bây giờ thậm chí còn nhiều hơn do thiệt hại về mặt đô thị và các khu vực khác".
Ông Schakal cho biết nguy cơ mắc bệnh tả gia tăng là một trong một loạt rủi ro sức khỏe cộng đồng phức tạp tại các khu vực do các nhóm vũ trang đối lập kiểm soát, nơi 37 cơ sở y tế bị hư hại trong trận động đất và 20 cơ sở buộc phải đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động. Ông nói thêm rằng thảm họa cũng đã ảnh hưởng đến việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và làm gia tăng các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần.
Bích Thảo (Theo Al Jazeera)