Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sức khỏe của bệnh nhân bị "bé Na" dài 2,5m, nặng 4,5kg cắn, giờ ra sao?

(DS&PL) -

Người đàn ông đem cả con rắn hổ mang cắn mình đến bệnh viện đã tỉnh táo, cử động được tay chân nhưng vẫn còn thở máy.

Người đàn ông đem cả con rắn hổ mang cắn mình đến bệnh viện đã tỉnh táo, cử động được tay chân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đối với trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn, ngoài nhiễm độc thần kinh, người bị rắn cắn còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim.

Do đó dù hiện ông P.V.T. (38 tuổi, Tây Ninh) tạm thời qua khỏi nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt nhưng phải chờ từ 24-48 giờ tới mới có thể xác định được bệnh nhân có bị biến chứng viêm cơ tim cấp hay không.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến sáng nay sức cơ của bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ.

Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên do đang đặt nội khí quản nên phải ăn bằng chất xay qua ống thông dạ dày.

"Ngoài vấn đề biến chứng về cơ tim, điều lo ngại là tại vị trí rắn cắn có rất nhiều nọc độc dẫn đến bị viêm mô tế bào, từ đó vết sưng phù lan nhanh hủy hoại các cơ. Nếu điều này xảy ra kéo theo nguy cơ tắc ống thận sẽ dẫn đến suy thận cấp", bác sĩ Sang thông tin.

Theo lời kể người nhà bệnh nhân trên Lao động, khoảng 7h30 ngày 19/8, khi đang làm thuê trong vườn na ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), khu vực giáp ranh núi Bà Đen, bất ngờ anh P.V.T. phát hiện và cố đuổi bắt sống một con rắn hổ mang chúa màu đen.

Bất ngờ, anh T bị con rắn quay lại cắn vào đùi phải. Lúc này, anh T chạy nhanh ra đường kêu người đến cứu giúp. Cả người và rắn ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Hình ảnh ông P.V.T. cầm chặt con rắn hổ mang chúa khi đến bệnh viện để cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần cố gắng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế tiếp tục bị tấn công. Đồng thời hạn chế tối đa vận động, bởi khi vận động khiến cơ co thắt càng làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn.

Cuối cùng, bệnh nhân cần được nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, tùy vào tình trạng cụ thể của và tính chất độc của từng loại rắn, nhân viên y tế có cách xử trí ban đầu như nẹp cố định vết thương, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp…

Việc một số người khi bị rắn độc cắn thường chọn cách buộc caro cố định không cho độc phát tán, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang cho rằng phương pháp này chưa được khuyến cáo nhiều, bởi không phải loại rắn độc nào cắn buộc caro đều hiệu quả.

Đối với dạng nọc độc đi theo mạch vành tiếp sát trong xương, việc buộc caro không hiệu quả, còn trường hợp ông T. bị rắn hổ mang chúa cắn, nọc độc gây tổn thương thần kinh thì buộc caro lại có hiệu quả.

"Tuy nhiên việc buộc caro phải tuân thủ theo nguyên tắc. Nếu thời gian buộc quá lâu sẽ làm hạn chế máu lưu thông xuống vùng chi bên dưới, nếu không giải phóng kịp thời sẽ góp phần làm chết chi đó. Do đó hạn chế tối đa vận động, băng ép cố định nơi bị rắn cắn và chuyển nhanh đến bệnh viện là giải pháp tối ưu nhất", bác sĩ Sang khuyến cáo.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật