Sự thật về nhà ngoại cảm “tìm 600 mộ liệt sỹ” và chiếc quan tài cổ
LTS: Bà Bùi Thị Hiền, 47 tuổi, ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng được đồn thổi là một nhà ngoại cảm “mới nổi” ở Hải Phòng. Theo lời quảng cáo của người này, chỉ trong vòng hai năm, bà đã tìm được hơn 600 ngôi mộ liệt sỹ?!. Mộ mà người phụ nữ này tìm được thường ở những ngã ba, ngã tư hoặc những nơi rừng rú hoang vu.
Tháng 3/2014, lại rộ lên tin đồn bà Hiền đã tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay trên vườn của nhà ngoại cảm này. Tuy nhiên, đằng sau những lời đồn thổi này lại là thực tế hoàn toàn khác.
Từ số này, báo Đời sống và Pháp luật sẽ khởi đăng loạt bài để làm rõ sự thật về nhà ngoại cảm này.
Bài 1: Trở thành “nhà ngoại cảm” sau giấc mơ gặp cụ đồ họ Phạm?!
(ĐSPL)- Mỗi khi có người đến xem hoặc tìm mộ, "nhà ngoại cảm" Bùi Thị Hiền thường nhắm mắt, rùng mình rồi lảm nhảm đọc thơ.
Nhiều thân nhân của các liệt sỹ tìm đến đây và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bà Hiền nhưng kết cục không thể tìm thấy mộ người thân. Và khi tìm không thấy, bà Hiền lại đổ tại gia chủ chưa thành tâm. Còn có những gia đình rõ ràng đào được tổ mối nhưng bà Hiền lại cho rằng đó là… đầu lâu người...
|
Ai đến nhờ bà Hiền tìm mộ cũng phải ra khu mộ nhà bà để xin phép “cụ”. |
Được ăn lộc cụ, từ chối cũng không được (?!)
Chúng tôi tìm đến nhà bà Bùi Thị Hiền với lý do gia đình đang cần tìm mộ liệt sỹ. Khi vừa dựng xe, tôi được những người phục vụ ở đây “lôi” ngay ra khu gần bờ ao nhà bà Hiền và bảo: “Ra thắp hương xin phép cụ đồ đi”. Lúc chúng tôi đến, có khoảng gần 30 người đang ngồi cung kính trước một phụ nữ ngồi trên chiếc chõng tre ọp ẹp gần khu vực bốn ngôi mộ. Người phụ nữ cầm bộ bài, đọc những vần thơ không đầu không cuối. Tôi được hướng dẫn đứng trước những ngôi mộ lạ để thắp hương xin phép.
Khi tôi ra ngồi cùng những người đang chờ đợi đến lượt xem, bà Hiền nói sẽ ưu tiên xem cho tôi trước. Khi tôi đề cập đến việc gia đình mình muốn tìm mộ liệt sỹ, bà quảng cáo rằng bà đã tìm được hơn 600 mộ liệt sỹ. Cách đây tròn hai năm, bà thường xuyên nằm mơ thấy một cụ đồ họ Phạm bắt bà phải học đạo để giúp đời. Bà Hiền và người nhà đào được mộ cụ và hương khói cho cụ. Cụ đồ chỉ cho bà Hiền một “hòm vàng” ở gần ao nhà bà và cho biết, đây chính là mộ vợ cụ đồ, tên là Nguyễn Thị Tý. Bà Hiền và người nhà đào thêm được một ngôi mộ nữa ở gần ao nhà.
“Từ ngày đào được mộ cụ bà (tức vợ cụ đồ) tôi được cụ cho ăn lộc. Cụ bắt đầu chỉ cho tôi đi tìm mộ liệt sỹ. Mới đầu tôi sợ và xin cụ đừng bắt tôi làm việc này nhưng cụ vẫn giao cho tôi”, bà Hiền cho biết. Và khi nghe bà Hiền nói đến đây, những người ngồi sau tôi hôm đó gật đầu lia lịa như để xác minh lời bà Hiền nói là đúng. ông Bùi Văn Hãnh, trú tại xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, người đã bỏ công việc đang làm ở Hải Phòng để đến nhà bà Hiền chăm lo cho các ngôi mộ và hướng dẫn người đến xem cho biết: “Cụ đồ thiêng lắm. Cụ cho cô Hiền ăn lộc nên tìm mộ liệt sỹ chính xác, không sai một ly. Cô cứ ngồi ở nhà, chỉ đạo qua điện thoại, người nhà liệt sỹ tìm theo chỉ dẫn của cô là ra. Mộ đầy đủ xương cốt chứ không mất mát như nhiều nhà ngoại cảm khác vẫn tìm”(?!).
|
Cụ đồ đang nhập vào bà Hiền và hát. |
Bi hài chuyện mang tổ mối về nghĩa trang liệt sỹ chỉ vì tin lời thầy
Kể về câu chuyện bà Bùi Thị Hiền tìm mộ liệt sỹ cho gia đình mình, bà N.T.H., trú tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết: “Nhà tôi có hai ông chú chồng là liệt sỹ. Đầu năm 2013, chẳng hiểu mấy người nhà tôi đi xem nhà bà Hiền như thế nào mà về bảo mộ một ông chú đang ở Quảng Nam. Bà ấy lúc thì nói mộ chú tôi ở Huế, lúc thì bảo Quảng Trị, sau đó lại bảo ở Quảng Nam. Khi tôi lên nhà bà Hiền, thấy rất đông những gia đình liệt sỹ như gia đình tôi ngồi xếp hàng nhắm mắt lại đợi vong của liệt sỹ về. Bà ấy nói huyên thuyên là chính”. Theo chỉ dẫn của bà Hiền, gia đình bà H. đi vào Quảng Nam đào bới một đống đất dưới gốc đa ở một huyện miền núi.
“Bà Hiền phán xương cốt của chú tôi còn nguyên và được bọc trong áo mưa có kéo khóa. Nhưng khi đi vào trong đó, gia đình đào mãi cũng không có áo mưa nào kéo khóa bọc xương như bà Hiền tả. Tôi bắt đầu sinh nghi: Thời chiến tranh, áo mưa làm gì có khóa, toàn đóng cúc thôi. Bà ấy chỉ đạo đào bới lung tung hai chỗ không thấy. Đến chỗ thứ ba, khi đào xuống thấy một cái tổ mối. Mọi người mừng ríu rít thông báo cho bà Hiền. Bà ấy nói đó là cái đầu lâu. Tôi thấy tổ mối nào chẳng tròn nên bà ấy nói là đầu lâu. Mọi người trong gia đình tôi ôm nguyên cái tổ mối còn các con mối thì được cho vào bịch nilon mang về. Trong quá trình mang về, đi gần ba ngày các con mối bị nhốt kín, chết hết. Tôi không thấy có cái gì là dấu hiệu của xương. Thế mà vong áp cứ một mực nói rằng xương đâm vào chân tay chú tôi làm ông ấy đau. Khi về, không ai tháo túm tổ mối ra, để nguyên thế và cho vào tiểu rồi mang ra nghĩa trang”.
Một số người mê muội ở gia đình bà H. thì cho rằng, đã tìm được mộ của ông chú mình. Tuy nhiên, bà H. và một số người nữa, trong đó có chồng và con trai bà lại phản đối kịch liệt việc làm của một số người trong gia đình. Sau ngày tìm được mộ cho ông chú bà H., ngày nào gia đình nhà chồng bà H. cũng có 2 – 3 người lên nhà bà Hiền phục vụ và thắp hương. Cuối tuần, nhà bà H. kéo 6 – 7 người lên nhà bà Hiền và ở đây bà Hiền tiếp tục gọi vong một người chú khác, cũng là liệt sỹ của nhà bà H. về và nói mộ ông này đang ở rìa rừng. “Lúc này thì vợ chồng tôi không chịu nổi nữa nên lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bởi cách đây 6 – 7 năm, gia đình tôi có được một cán bộ làm ở sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận gửi cho một tấm ảnh chụp ngôi mộ có ghi tên, tuổi, địa chỉ quê quán, ngày hy sinh, nơi hy sinh trùng với thông tin của ông chú của tôi.
Duy có một điều không chính xác là họ của liệt sỹ trong ngôi mộ đó không đúng với giấy khai sinh của chú tôi nhưng có thể do đồng đội không còn nhớ họ nên phải làm thế. Tôi bàn với chồng sẽ đi đón chú về nhưng những người còn lại trong gia đình cứ một mực tin theo cô Hiền, đòi đi tìm mộ ở rìa rừng nào đó. Những người trong gia đình nói là không tin vào thông tin trên khiến tôi bực mình gắt lên: Đến mộ không tên tuổi, ở nơi đầu đường xó chợ còn tin được mà mộ rõ ràng trong nghĩa trang lại không tin. Vì vợ chồng tôi quyết liệt nên cuối cùng cô Hiền cũng đồng ý thừa nhận ngôi mộ ở Bình Thuận là mộ chú tôi (!)”, bà H. kể lại.
Một trường hợp khác cũng nhờ bà Hiền tìm mộ liệt sỹ là bà K. ở quốc lộ 10 (?!). Bà K. cho biết sau nhiều lần lên làm lễ ở nhà bà Hiền nhưng không tìm được mộ, bà K. cùng gia đình xin rút lễ. “Bà ấy đã mắng gia đình tôi là không thành tâm nên mới để xảy ra tình trạng không tìm được mộ”, bà K kể lại. Không chỉ nhà bà K. mà một số gia đình đã từng nhờ bà Hiền tìm mộ song khi tỏ ý không tin đều bị bà Hiền cho vào diện “phản”.
Dịch vụ bốc và vận chuyển hài cốt có giá “khủng” Theo bà H., để đưa được hài cốt của chú bà H. từ Quảng Nam về đến Hải Phòng, gia đình bà H. đã phải trả cho dịch vụ của bà Hiền hết 59 triệu đồng. Còn chi phí dịch vụ đưa mộ một ông chú khác của bà H. từ Bình Thuận về Hải Phòng mất hơn 33 triệu đồng. Nhưng thực tế theo bà H. thì: “Nếu tính chi phí, vợ chồng tôi chỉ cần 10 triệu đồng là có thể đưa được hài cốt của chú tôi về Hải Phòng”. |
Bài 2: Giải mã những ký tự kỳ lạ trên chiếc quan tài gây tranh cãi