Ảnh minh họa
Sao lại "về vườn" khi tuổi còn xanh?
Có lẽ, rồi việc nghỉ hưu non cũng chỉ dừng lại ở trào lưu. Nói theo cách của các cụ, thì đó chỉ là suy nghĩ bồng bột của những đứa trẻ chưa kịp lớn. Thực tế, nó tồn tại khá nhiều mặt trái.
Bạn có thể “về vườn” với một số tiền nho nhỏ tích lũy được sau một vài năm bươn chải ngoài xã hội để sống cuộc sống thảnh thơi kiểu “cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả ngày”. Sự vô lo vô nghĩ trong một phút giây nào đó cho bạn cảm giác mình được sống cho bản thân. Thật là hạnh phúc...
Nhưng, miệng ăn núi lở... Số tiền ấy rồi sẽ cũng sẽ hư hao dần cho đến khi cạn kiệt. Trong khi thế giới vẫn vận hành theo cái cách của nó. Sau khi được sinh ra, những đứa trẻ được nuôi dưỡng, dạy dỗ đến khi trưởng thành. Và như một quy luật, đây là lúc họ tự chọn cho mình một lối đi, tự nuôi sống bản thân bằng lao động. Như cách mà Đen Vâu nói: “Lao vào đời mà kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội”, để rồi, “thiếu ngủ, quên ăn, quên uống, quên chải lại tóc tai” vì chạy dateline.
Lời khuyên được đưa ra là: “Cùng lắm mình về quê, nuôi cá và trồng thêm rau”.
Đúng vậy, nhưng đó là khi đã qua tuổi lao động, đến tuổi về hưu. Chứ 27 tuổi đã bỏ công việc để về quê sống cuộc sống của một người già thì thật là ích kỷ. Chưa kể, có không ít tấm gương “bỏ phố về quê” với số vốn tương đối nhưng cũng rơi cảnh vô cùng chật vật để lo toan cuộc sống sau này.
Động lực để phấn đấu, phát triển bản thân
Đến con chim còn muốn hót, chiếc lá còn muốn xanh, lẽ nào là người, chúng ta lại chỉ sống cho riêng mình? Vất vả ư? stress ư? đau khổ ư?... Đó là cuộc sống với hỷ-nộ-ái-ố mà con người khi sinh ra đều trải qua.
Theo giáo lý nhà Phật, đời là bể khổ. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã khóc. Và tiếng khóc ấy còn theo mãi chúng ta đến lúc nhắm mắt xuôi tay... Đời là bể khổ, nhưng qua được nỗi thống khổ, con người sẽ trưởng thành. Nhìn một cách tích cực, những trải nghiệm đó giúp chúng ta thêm màu sắc và bớt... nhạt hơn.
Chưa kể, độ tuổi 20-30 đang là độ tuổi gây dựng, phát triển, tạo bước đà cho sự thành công trong sự nghiệp mỗi người. Lúc sung sức nhất, trẻ trung nhất mà không thể đối chọi với cuộc đời, hẳn bạn là một thanh niên cực kỳ vô dụng.
Đời dài lắm. Hãy nhìn những thế hệ đi trước, gần nhất là bố mẹ chúng ta, để thấy được, sự trưởng thành của bạn, là nước mắt, mồ hôi của cha mẹ. Nhưng họ đâu có coi đó là khổ đau - thứ phải trốn tránh như cách một số người đang làm.
Với một gia đình thuần nông, để con cái đủ ăn, đủ mặc, được học hành bằng bạn bằng bè đó là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ. Bạn đã bao giờ để ý đôi bàn tay chai sạn của bố? Khóe mắt thật nhiều nếp nhăn và làn da đen sạm của mẹ? Bạn đã bao giờ thật tâm quan sát để thấy, dù 60-70 tuổi rồi, bố mẹ vẫn luôn dành mớ rau ngon nhất, con gà ngon nhất, quả mít ngon nhất để gửi lên cho bạn? Không chỉ là tình yêu thương, đó là sự lo lắng luôn thường trực trong họ, bởi dù bạn có lớn, với họ bạn vẫn là đứa trẻ.
Vậy mà khi còn đang phơi phới thanh xuân, bạn đã muốn sống một cuộc sống chỉ cho bản thân ư?
Trước còn bố mẹ, sau còn gia đình, con cái. Nếu bạn coi những thứ đó là gánh nặng thì bạn là kẻ bạc bẽo. Nếu bạn coi nó là trách nhiệm, đó là động lực để bạn phấn đấu và phát triển bản thân. Sự phát triển ấy, trước hết là cho bạn: Tiền bạc, địa vị... Sau là để bạn có thể phụng dưỡng bố mẹ, mua cho ba 1 cái áo mới, biếu mẹ chút thuốc bổ... hay mua bất cứ thứ gì mình muốn và lo cho cả gia đình bé nhỏ với người mình yêu thương.
Ở một khía cạnh khác, sự phát triển của cá nhân còn góp phần xây dựng và phát triển xã hội văn minh và giàu đẹp hơn.
Các cụ xưa có câu “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ ngàn đời, người xưa vẫn muốn đề cao lao động và phê phán lối sống nhàn hạ, ham chơi, bởi dễ dẫn đến các hành vi xấu, sai trái.
Sự nhàn nhã, thảnh thơi suy cho cùng chỉ nên dừng lại ở khoảnh khắc - thứ giúp tái tạo sức để duy trì thứ gọi là “lao động là vinh quang”.
Mộc Miên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (30)