The Eurasian Times dẫn thông tin từ bộ Quốc phòng Nga ngày 16/11 (giờ địa phương) cho biết, một máy bay chiến đấu đa năng Su-35S của Nga đã bắn hạ thành công các chiến đấu cơ Su-25 và MiG-29 của Ukraine trong một cuộc xuất kích tại vùng Donbass.
Klim, phi công lái chiếc máy bay chiến đấu Su-35S, chia sẻ, hai chiếc Su-25 và một chiếc MiG-29 đã được phát hiện ở khoảng cách khoảng 200 km. Phi công này cho rằng những chiếc Su-25 chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công trên mặt đất và những chiếc MiG-29 có nhiệm vụ hộ tống.
Klim cho biết thêm, tên lửa trên tiêm kích Su-35S có tầm bắn lớn và lợi thế chênh lệch về độ cao giúp máy bay Nga tấn công mục tiêu từ khoảng cách rất xa.
Theo Zvezda, hình ảnh từ màn hình hiển thị của tiêm kích Su-35S cho thấy máy bay Nga phát hiện ít nhất ba mục tiêu riêng rẽ và phóng liên tiếp hai tên lửa đối không.
Chiến đấu cơ Su-25S. Ảnh: Twitter.
Các máy bay chiến đấu của Nga vô cùng hiệu quả và có khả năng gây sát thương trước những chiến đấu cơ Ukraine trong suốt cuộc chiến, đặc biệt là Su-35S được trang bị tên lửa không đối không R-77-1 (AAM), theo một nghiên cứu gần đây về Chiến tranh trên không của Nga ở Ukraine, được thực hiện bởi Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London (Vương Quốc Anh).
Được chế tạo bởi nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga Vympel, R-77-1 là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động ngoài tầm nhìn (BVR) có thể tấn công các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa hành trình... với phạm vi khoảng 110km.
Chuyên gia đánh giá tại RUSI dẫn lời các phi công chiến đấu Ukraine, cho rằng Su-30SM và Su-35S của Nga "hoàn toàn vượt trội" so với các máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine.
Sự khác biệt về công nghệ giữa máy bay của hai lực lượng không quân chủ yếu bao gồm R-77-1 AAM cùng với khả năng quan sát, bắn hạ xuất sắc của các radar N011M Bars và N035 Irbis-E trên máy bay chiến đấu của Nga.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các máy bay chiến đấu của Nga đã khóa radar và bắn tên lửa R-77-1 vào máy bay chiến đấu Ukraine từ khoảng cách hơn 100km.
Đầu dò radar chủ động của tên lửa R-77-1, kết hợp với các radar N011M và N035 hiện đại, cho phép các máy bay chiến đấu của Nga phóng tên lửa ở chế độ theo dõi trong khi quét (TWS). Khả năng TWS cho phép radar phân bổ một phần sức mạnh của nó để theo dõi một mục tiêu hoặc nhiều mục tiêu.
Bích Thảo (Theo The Eurasian Times)