Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Châu khoá XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nên việc xây dựng “Đề án phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là rất cần thiết.
Tính cấp thiết của Đề án
Du lịch Mộc Châu trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu bước đầu khả quan, công tác quản lý nhà nước về các hoạt động du lịch trên địa bàn được quan tâm. Lượng khách du lịch nội địa và quốc tế không ngừng tăng lên qua từng năm, thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch chủ đạo đang dần được hình thành, cơ sở sơ vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch, giới thiệu về tiềm năng lợi thế phát triển du lịch được chú trọng.
Vẻ đẹp yên bình của những khu rừng Mận |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cũng đang từng bước được hoàn thiện, thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, tạo liên kết khai thác phát triển các tour, tuyến du lịch nội huyện, nội tỉnh, liên tỉnh. Đó là lời khẳng định của đồng chí Long Trung Tâm, Phó bí thư huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La).
Mộc Châu là huyện miền núi, biên giới có diện tích tự nhiên là 1.071,7 km2; địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 1.050m so với mặt nước biển. Khí hậu ôn hòa, mát mẻ, có bốn mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18-200C. Huyện Mộc Châu có vị trí thuận lợi cách Hà Nội 180km, cách Sơn La 110 km, có tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 43 đi qua, có đường biên giới Việt Nam - Lào dài gần 40 km với cửa khẩu quốc gia Lóng Sập.
Thác Dải Yếm một trong những điểm du lịch tại Mộc Châu |
Về tài nguyên du lịch tự nhiên: huyện Mộc Châu có hệ sinh thái đa dạng với rất nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ, hoang sơ. Các danh lam thắng cảnh như: Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi), Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông Bản Áng, đồi Chè, vườn Đào, vườn Mận, đồng cỏ chăn nuôi bò sữa.
Về tài nguyên du lịch nhân văn: Mộc Châu có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, với những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc riêng: Tết của đồng bào dân tộc Mông, lễ hội Hết Chá, lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Thái, lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông, lễ Lập Tịnh của dân tộc Dao, lễ hội Chách Vắt, Chách Và - Chùa Vặt Hồng, hội Trà cao nguyên Mộc Châu, ngày hội hái quả, ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, hội thi Hoa Hậu bò sữa,… Các hoạt động văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc: Múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái, dân tộc Mường, chơi tó má lẹ của dân tộc Thái, nhảy tha khềnh (nhảy khèn), rồng ấp trứng, đánh tu lu, ném pao của dân tộc Mông; múa chuông của dân tộc Dao…
Khu Nghỉ dưỡng khách sạn đạt tiêu chuẩn tại Mộc Châu |
Các di tích lịch sử văn hoá, tâm linh: khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu, di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu, di tích lịch sử bia căm thù Km 70, di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ, di tích lịch sử văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào.
Với tài nguyên du lịch phong phú, Mộc Châu đã tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, khai thác, phát triển các tài nguyên thành sản phẩm du lịch. Cụ thể, trong những năm qua huyện Mộc Châu đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện một số các quy định, quy chế quản lý để phát triển du lịch như: Quy định quản lý các hoạt động tham quan du lịch tại khu vực núi Pha Luông (xã Chiềng Sơn). Quy chế quản lý giá cả dịch vụ, bảo vệ môi trường, tổ chức hoạt động văn hoá tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu. Quy chế quản lý hoạt động chăn nuôi trong khu vực dân cư. Quy chế quản lý bản du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Mộc Châu.
Tiềm năng ngành du lịch cần được phát huy
Tiếp xúc và trao đổi với báo chí, đồng chí Long Trung Tâm, Phó bí thư huyện ủy- Chủ tịch huyện chia sẻ rằng: Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh việc được thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, nhiều sản vật đặc trưng thì một trong những tiềm năng phát triển du lịch lớn nhất của huyện Mộc Châu chính là nền văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc đã được hình thành từ lâu đời của 12 dân tộc anh em.
Chuỗi hệ thống khu nghỉ dưỡng tại Mộc Châu |
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp, sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Mộc Châu.
Bởi vậy, xây dựng huyện Mộc Châu trở thành trung tâm du lịch của khu du lịch quốc gia Mộc Châu, có hạ tầng du lịch, dịch vụ và các sản phẩm du lịch cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước là tiêu chí hàng đầu mà Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Mộc Châu đề ra.
Cảnh đẹp Mộc Châu trong mùa du lịch |
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống đang là hướng đi mới để phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phát huy được những giá trị cốt lõi của văn hoá truyền thống góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trên.
Tính đến nay, Mộc Châu có 250 cơ sở lưu trú, các cơ sở khách sạn gần đây đã phát triển bổ sung với 09 khách sạn từ 01 - 03 sao và 01 khách sạn 4 sao. Các điểm du lịch mới bao gồm: Thác Dải Yếm, Cầu kính tình yêu, đỉnh Pha Luông và Happy Land. Theo ước tính, ngành sử dụng khoảng 4.800 lao động, trong đó 1.720 lao động làm việc tại Mộc Châu.
Năm 2011, Mộc Châu đón khoảng 350.000 lượt khách, tăng 30% so với năm 2010. Tổng doanh thu của huyện năm 2011 là 150 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, lượng du khách đến Mộc Châu đã tăng lên hơn 1.250.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 67.000 lượt khách), doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 1200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 12%/ năm, hỗ trợ khoảng 1720 việc làm.
Mùa hoa Mận là những điểm thu hút khách du lịch |
Theo thống kê, năm 2020 trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch của Mộc Châu. Khách du lịch đến Mộc Châu chỉ đạt 691.000 lượt, doanh thu đạt 760 tỷ đồng.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp, sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Mộc Châu. Chính quyền huyện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực để xây dựng huyện Mộc Châu trở thành trung tâm du lịch của khu du lịch quốc gia Mộc Châu, có hạ tầng du lịch, dịch vụ và các sản phẩm du lịch cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Xuân Khiển