Trong khi các nước có tiềm lực quân sự mạnh đua nhau phát triển và thử nghiệm tên lửa siêu thanh, một cuộc đua mới đang diễn ra để phát triển năng lực phòng thủ hiệu quả trước loại vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi.
Tên lửa SM-6 được phóng từ tàu khu trục USS John Paul Jones năm 2014.
Đối với Mỹ, tên lửa SM-6 vẫn là nền tảng của các hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn tồn tại những lỗ hổng.
SM-6 được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2013, là thế hệ đầu tiên trong gia đình tên lửa “Standard”, bao gồm năng lực phòng thủ 3 trong 1 đối không, đối đất và trên biển, giúp nó đánh chặn các tên lửa hành trình và đạn đạo.
SM-6 Dual đã được thử thành công vào các năm 2017 và 2016, cho thấy hiệu quả của hệ thống này trước các loại tên lửa đạn đạo truyền thống vẫn chập chờn.
Một số báo cáo nói rằng SM-6 có năng lực “non nớt” khi chống lại các mục tiêu siêu thanh. Dù SM-6 có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo bay với tốc độ siêu thanh, nhưng hiệu quả vẫn là vấn đề đáng ngờ.
Khi tên lửa đạn đạo bay với tốc độ siêu thanh trong giai đoạn tái nhập, chúng di chuyển theo một cung đạn đạo có thể dự đoán trước, từ đó có thể tính toán thời điểm đánh chặn ở giai đoạn giữa. Tuy nhiên, việc đánh trúng mục tiêu cơ động siêu âm sẽ khó hơn nhiều.
Cho đến nay, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, cùng với các nhà thầu khác nhau, đã triển khai chương trình Hệ thống vũ khí giai đoạn bay khu vực (Regional Glide Phase Weapon System - RGPWS). Mục đích của nó là tìm ra các giải pháp để mở rộng các chức năng tác chiến trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Dựa trên kết quả thực hiện, dự án đã bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm tích lũy được trong chương trình Đánh chặn giai đoạn bay (GPI) mới của nước này.
SM-6 không phải là đề xuất duy nhất trong kế hoạch mới của Mỹ. Trước đó, Cơ quan Phòng thủ tên lửa đã mở rộng việc tiếp nhận các đề xuất kỹ thuật, và xem xét, lựa chọn thêm các phương án khả thi.
Theo đó, dựa trên kết quả làm việc với các đề xuất và ứng dụng, cơ quan này cần xác định thêm các cách phát triển dự án Đánh chặn giai đoạn bay (GPI).
Mới đây, Hải quân Mỹ và Cơ quan Phòng thủ tên lửa đã cùng chứng minh khả năng sử dụng tên lửa SM-6 để chống lại các "mối đe dọa di động hiện đại". Và công việc nghiên cứu sẽ được tiếp tục. Đến năm 2024, trên cơ sở tên lửa SM-6, Mỹ lên kế hoạch tạo ra một vũ khí mới có khả năng thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.
Ban đầu, SM-6 là tên lửa phòng không dùng để tấn công các mục tiêu khí động học ở khoảng cách xa với tàu sân bay. Trong quá trình hiện đại hóa, thiết bị tìm kiếm đã được cải tiến, nhờ đó tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo trên quỹ đạo đi xuống.
Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được thể hiện, bao gồm cả trong môi trường gây nhiễu phức tạp.
Từ năm 2020, quá trình hiện đại hóa SM-6 đã được thực hiện, để biến tên lửa phòng không thành phương tiện tấn công các mục tiêu mặt đất. Theo đó, phiên bản SM-6 mới của năm 2023 sẽ phải bổ sung các tính năng của tên lửa Tomahawk hiện có.
Mộc Miên (Theo The Drive)