Sputnik đưa tin ngày 25/5, hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz của Nga đã bắn hạ máy bay Ukraine trong vùng tác chiến đặc biệt, ở chế độ hoàn toàn tự động mà không có sự tham gia của người điều khiển.
S-350 Vityaz của Nga đã bắn hạ máy bay Ukraine. Ảnh: Sputnik
Đây là lần đầu tiên trên thế giới, phương thức hoạt động này đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế. Kíp trắc thủ chỉ có nhiệm vụ giám sát hoạt động của hệ thống S-350 và xác nhận thông tin do thuật toán đưa ra mà không can thiệp vào quá trình khai hỏa.
Câu hỏi được đặt ra là S-350 Vityaz mạnh cỡ nào và liệu hệ thống phòng không này có vượt trội hơn Patriot do Mỹ sản xuất hay không?
Đặc điểm của S-350 Vityaz
S-350 Vityaz là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) di động, được đưa vào biên chế trong lực lượng vũ trang Nga vào năm 2019. SAM được thiết kế để tiêu diệt cả mục tiêu đạn đạo và khí động học, bao gồm máy bay chiến đấu, phương tiện bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Các chuyên gia quân sự Nga gọi Vityaz là “sát thủ” của tên lửa Tomahawk (Mỹ) và Storm Shadow (châu Âu).
Hệ thống S-350 Vityaz hoàn chỉnh bao gồm một bệ phóng tự hành, một radar toàn diện với chức năng quét không gian điện tử và một trạm chỉ huy. Tên lửa được đặt trên khung gầm có bánh xe đặc biệt BAZ-69092-012, có thể được đặt trong tình trạng báo động trong vòng chưa đầy năm phút.
Hệ thống có khả năng tấn công đồng thời 16 mục tiêu khí động học và 12 mục tiêu đạn đạo.
S-350 Vityaz được ví là “sát thủ” của các tên lửa hành trình. Ảnh: Sputnik
Hồi tháng 2, đại diện phòng thiết kế của Tập đoàn phòng không Almaz-Antey tuyên bố S-350 Vityaz có thể được tích hợp vào các hệ thống phòng không của nước ngoài. Nhà sản xuất cũng nhấn mạnh tính toàn diện của tổ hợp, hỏa lực được tăng cường, khả năng chứa đạn cao hơn cho tên lửa dẫn đường phòng không (gấp 4 lần so với S-400) cũng như khả năng sống sót trên chiến trường
Hệ thống tên lửa phòng không này được trang bị tên lửa tầm trung và tầm ngắn 9M96 và 9M100. Chúng được phóng theo nguyên tắc phóng thẳng đứng: bệ phóng đưa tên lửa lên độ cao hơn 30m, đồng thời thực hiện một cú quay đầu hướng về phía mục tiêu, bằng cách sử dụng hệ thống động lực khí, sau đó động cơ chính được khởi động.
Việc phóng như vậy giúp giảm đáng kể phạm vi đánh chặn mục tiêu. Số lượng tối đa các mục tiêu khí động học bắn trúng đồng thời là 16, đối với đạn đạo là 12. Ngoài ra, S-350 Vityaz có thể đồng thời hướng tới 32 tên lửa. Khu vực bị ảnh hưởng của các mục tiêu khí động học có tầm bắn từ 1,5km đến 60km, và độ cao từ 10km đến 30km. Còn các mục tiêu đạn đạo nằm trong phạm vi từ 1,5km đến 30km và độ cao từ 2km đến 25km.
Vityaz có tốt hơn Patriot không?
Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: AP
Chuyên gia quân sự Alexander Mikhailov nhận định rằng mặc dù Vityaz có thể được so sánh với hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất về một số tính năng nhưng các tên lửa S-350 nhanh hơn và có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp.
Ông Mikhailov cho biết hệ thống S-350 có thể tấn công các mục tiêu bay ở độ cao 10 mét trong khi Patriot không thể bắn hạ các vật thể di chuyển dưới 100 mét.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Yury Knutov thì cho rằng, chỉ cần 1 tiểu đoàn Vityaz là đủ để đẩy lùi cuộc không kích quy mô lớn của đối phương.
Theo ông Yury Knutov, nhìn chung, S-350 Vityaz có thể được cải thiện bằng việc thay thế một số thành phần. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng kỹ thuật cũng như khả năng chiến đấu của nó. Vị chuyên gia đánh giá, S-350 là một bước đột phá và là một hệ thống độc đáo mà chỉ Nga sở hữu.
Mộc Miên (Theo Sputnik)