Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM sáng nay (21/2) cho biết sau 30 ngày mở cổng đăng ký đợt 1, hơn 130.000 thí sinh đã đăng ký dự thi. Đây là con số kỷ lục so với cùng đợt đăng ký các năm trước.
Đến thời điểm hiện tại, 127.964 thí sinh đã hoàn tất thủ tục đóng lệ phí dự thi. Việc hoàn tất đóng lệ phí thi được kéo dài đến hết ngày 23/2, thêm 2 ngày so với kế hoạch trước đó là 21/2.
Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra ngày 30/3 tại 25 tỉnh/thành là: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TPHCM.
Kết quả được công bố ngày 16/4.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cao kỷ lục. Ảnh minh họa
Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 trên tờ Pháp luật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết đề thi năm nay vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, thời gian làm bài là 150 phút, thực hiện thi trên giấy.
Tuy nhiên, cấu trúc bài thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, đề thi vẫn gồm 3 phần, trong đó ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ (60 câu) và Toán học (30 câu), số lượng câu hỏi được điều chỉnh tăng hơn để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Còn phần ba trước đây là Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề, nhưng năm nay được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học với 30 câu. Việc này nhằm đánh giá năng lực thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế.
Các câu hỏi trong phần Tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm. Thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025 dự kiến vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Ảnh minh họa
Lý giải về thay đổi này, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh THPT tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.
Điểm mới của chương trình ở bậc THPT là bên cạnh các môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử), học sinh được tự chọn 4 trong 9 môn học khác để theo học (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật).
Theo tiến sĩ Chính, Việc điều chỉnh phải tuân thủ 2 nguyên tắc là đánh giá chính xác năng lực học ĐH của thí sinh, đồng thời bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em rất đa dạng.