Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 6 khóa X tại Bình Dương

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chiều ngày 1/4, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã làm việc với Tỉnh Bình Dương.

(ĐSPL) - Chiều ngày 1/4 tại Bình Dương, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) đã làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham dự đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; các đồng chí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng thuộc Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ: Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp.   
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Ban Bí thư Quyết định gồm có 23 đồng chí (trong đó có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 18 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Qua tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, các thành phần kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao được nhận thức tư tưởng, quan điểm lập trường trong toàn Đảng bộ về chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Bình Dương đã đạt được mức tăng trưởng khá so với vùng và cả nước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) giai đoạn 2008-2013 tăng bình quân là 13\%, riêng trong quý I/2014, tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh tăng 9\%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đến cuối năm 2013 là: công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 61,3\% - 35,3\% - 3,4\%.
Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển, như quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực...Thành công bước đầu mang tính đột phá trong thời gian qua của tỉnh Bình Dương là việc phát triển mạnh, có hiệu quả các khu công nghiệp và các khu đô thị mới tập trung.
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với diện tích 9.073 ha và 08 cụm công nghiệp tổng diện tích 600 ha; hình thành một khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ đô thị với tổng diện tích 4.196 ha. Thông qua việc phát triển KCN tập trung, nên việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển mạnh, tăng nhanh qua các năm, đã tạo điều kiện và động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bình quân hàng năm thu hút khoảng 15.678 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 1,75 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ 2008-2013 thu hút được vốn đầu tư là 8 tỷ 776 triệu USD.
Đến nay toàn tỉnh có 2.276 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 19 tỷ 600 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 18,5\%/ năm (năm 2013 đạt 14,3 tỉ đô la Mỹ). Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 14,5\%/năm (năm 2013 đạt 11,3 tỷ đô la Mỹ). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 22\%/năm (năm 2013 tổng thu đạt 29.718 tỷ đồng, gồm thu nội địa 19.676 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 10.042 tỷ đồng).
Việc liên kết, hợp tác giữa Bình Dương với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, hỗ trợ để ổn định thị trường hàng hóa, hợp tác hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với công nhân, bảo vệ môi trường.
Với 1,1, triệu người đang lao động trong các ngành kinh tế của tỉnh Bình Dương và hằng năm thu hút khoảng 45.000 lao động mới, trong đó đa số là lao động ở ngoài tỉnh (chiếm 80\%), tỉnh đã triển khai xây dựng nhà ở cho người lao động và công trình xã hội. Đến nay tỉnh thu hút 50 dự án nhà ở xã hội, riêng năm 2013 có 9 dự án hoàn thành đáp ứng cho 17.087 người ở. Đầu tư phát triển các mạng lưới y tế, trường học và cơ sở văn hóa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, học tập, vui chơi giải trí cho công nhân. Huy động nhiều nguồn từ ngân sách, doanh nghiệp, vốn ODA để đầu tư các dự án xử lý môi trường. Có trên 97\% dân cư đô thị và 96,2\% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Phát biểu tại buổi sơ kết, đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rất ấn tượng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương trong giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đánh giá cao việc đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng của Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng kết nối với trung tâm đô thị, các khu công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm.
Qua báo cáo sơ kết, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao việc phát triển thị trường vốn của tỉnh Bình Dương, đây là bước đột phá, là kinh nghiệm cho phát triển thị trường tài chính đối với các tỉnh thành khác. Đồng chí Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, ngoài hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động phát hành trái phiếu, chủ động phát triển thị trường vốn, thu hút từ trong dân mua trái phiếu, Bình Dương huy động vốn qua kênh này trong thời gian qua khá hiệu quả.
Theo đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Bình Dương đi đầu trong cả nước trong việc tạo môi trường kinh doanh, thành công hàng đầu là việc chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang đô thị - công nghiệp, Bình Dương hiện là tỉnh dẫn đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đồng chí Vũ Tiến Lộc mong muốn chính quyền Bình Dương năng động hơn nữa, tạo điều kiện môi trường kinh doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng chí Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, mô hình Becamex Bình Dương là mô hình doanh nghiệp nhà nước tại địa phương thành công nhất hiện nay, chúng ta cũng nên tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm cho cả nước.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 6 khóa X tại Bình Dương.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Trung ương đã được nghe các ý kiến từ tỉnh Bình Dương thảo luận về các báo cáo đánh giá những kết quả trọng tâm, những khó khăn, vướng mắc nổi cộm và kiến nghị đề xuất của Bình Dương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đại biểu mong muốn tới đây tổng kết Nghị quyết sẽ có một số cơ chế chính sách được sửa đổi để các địa phương phát triển năng động hơn, tạo điều kiện cho địa phương phát triển, chủ động hơn, thực hiện được việc này tỉnh Bình Dương mong muốn và tin tưởng vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là rất quan trọng.
Để thực hiện được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, có hiệu quả, theo đồng chí Lê Thanh Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, thực tiễn tại Bình Dương soi rọi lại các chủ trương, chính sách, theo đồng chí cần xét đến tính năng động sáng tạo của cơ sở, Trung ương đã ban hành chủ trương chính sách, điều cần nhất là địa phương phải có sáng tạo để điều hành có hiệu quả. Tỉnh Bình Dương mong Trung ương hết sức quan tâm tính năng động sáng tạo của cơ sở (tuy nhiên không được trái với chủ trương, trái với pháp luật).  Đồng chí kiến nghị, khi Trung ương ban hành văn bản pháp luật cần sát với thực tiễn ở địa phương để  khi triển khai chính sách có hiệu quả cao, thúc đẩy được phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao các ý kiến phát biểu từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành trong tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), đây là những ý kiến quan trọng từ thực tiễn phát triển tại địa phương để phục vụ sơ kết.
Đồng chí Phó Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh, qua sơ kết, hầu hết các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương trong thời gian qua, thể hiện qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh đã đạt được, đặc biệt là tính năng động trong áp dụng các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, tính phân cấp đầu tư, ngân sách, huy động các nguồn lực, nuôi dưỡng các vùng kinh tế trọng điểm, thực thi các thể chế, kiểm tra, thanh tra, giám sát. Theo đồng chí, nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị, đã tác động mạnh vào đời sống phát triển kinh tế xã hội, giúp Bình Dương có những đột phá phát triển kinh tế trong thời gian qua, đồng chí mong muốn Bình Dương đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế nước nhà.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo mong muốn rằng, kết quả làm việc sẽ thu được nhiều kết quả quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới đây.

Tin nổi bật