Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"So găng" Su-35 Nga với F-16 Mỹ: Nếu chạm trán, đâu mới thực sự là bá chủ bầu trời?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Trên bầu trời Ukraine, một trong những cuộc đối đầu kịch tính nhất trong nhiều thập kỷ có thể sắp diễn ra- trận chiến giữa F-16 Fighting Falcon và Sukhoi Su-35.

Trên bầu trời Ukraine, một trong những cuộc đối đầu kịch tính nhất trong nhiều thập kỷ có thể sắp diễn ra, giữa một máy bay phản lực nhiều tuổi nhưng cực kỳ mạnh mẽ tới từ phương Tây và một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga.

Đó chính là trận chiến giữa F-16 Fighting Falcon và Sukhoi Su-35; giữa quan niệm của Nga về máy bay chiến đấu được tối ưu hóa cho không chiến, so với quan niệm của phương Tây về máy bay phản lực có khả năng chiến đấu không đối không và không đối đất ngang nhau.

Đây cũng là cuộc chiến giữa cũ và mới. Những chiếc F-16 mà Ukraine nắm trong tay được thiết kế vào những năm 1970, được nâng cấp rất nhiều lần trong những năm qua. Tuy nhiên, vì muốn thay thế đội bay tiêm kích Su-27 và MiG-29 thời Liên Xô đang ngày càng cạn kiệt, Ukraine vẫn rất vui khi nhận những chiếc F-16 đã qua sử dụng từ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, những nước đang thay thế những chiếc Falcon của họ bằng những chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35.

 

So sánh F-16 với Su-35 không phải là điều dễ dàng. F-16 là máy bay thế hệ thứ tư được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1970 cùng với F-15 Eagle và Su-27 và MiG-29 của Liên Xô. Su-35 được coi là một phần của thế hệ 4.5, là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư được nâng cấp và ra mắt vào cuối những năm 1990, bao gồm F/A-18 E/F Super Hornet, Typhoon, Rafale và MiG-35.

Cuộc chạm trán gần nhất giữa các máy bay chiến đấu do Mỹ và Nga sản xuất là từ năm 1950, do đó cuộc đụng độ sắp tới trên bầu trời Ukraine được nhận định sẽ rất quan trọng. Không quân Nga có ưu thế về số lượng và công nghệ ở Ukraine, các cuộc không kích gần đây sử dụng bom lượn đã tàn phá hệ thống phòng thủ của Ukraine. Muốn ngăn chặn các cuộc ném bom của Nga và tiến hành một cuộc phản công thành công, Ukraine cần giành quyền kiểm soát không phận và lý tưởng nhất là có thể tự tiến hành các cuộc không kích.

Viper toàn năng

Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon (thường được gọi là “Viper,” và đôi khi là “Lawn Dart”) ban đầu được thiết kế để đánh chặn máy bay ném bom của Liên Xô.

Tính tới nay, hơn 4.600 chiếc F-16 đã được chế tạo kể từ năm 1976 và được 25 quốc gia sử dụng. Tiêm kích này theo đó đã chứng kiến nhiều cuộc chiến hơn hầu hết các máy bay chiến đấu hiện tại, đặc biệt là của không quân Mỹ và Israel.

 

Viper có khả năng cơ động cao và được trang bị pháo 20 mm cũng như 11 điểm cứng để mang vũ khí và thùng nhiên liệu. F-16 sở hữu hệ thống radar, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến.

Vũ khí chính xác của F-16 khi được triển khai tại Ukraine sẽ phụ thuộc vào loại đạn dược mà Mỹ và Châu Âu gửi tới.

Ngoài tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar AIM-120 và tên lửa tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder, F-16 thể mang bom lượn JDAM, tên lửa chống bức xạ HARM và có thể là tên lửa tầm xa của Châu Âu như Storm Shadow của Anh.

Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, hay AMRAAM, đặc biệt quan trọng với F-16. Không giống như các tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar hiện tại của Ukraine, đòi hỏi máy bay phóng phải liên tục duy trì khóa radar vào mục tiêu, AMRAAM có radar "bắn và quên" tích hợp có khả năng tự động tìm mục tiêu.

 

F-16 có tính linh hoạt cao, song chính vì tính linh hoạt trong mọi mặt lại đồng nghĩa với việc không thực sự nổi trội ở mặt nào. 

“Bạn có thể sử dụng F-16 để không chiến, nhưng nó không tốt bằng F-15”, ông Brynn Tannehill, một chuyên gia quốc phòng và là cựu phi công của Hải quân Mỹ nói. “Bạn có thể sử dụng nó để hỗ trợ cận chiến, nhưng nó không tốt bằng A-10. Nó có thể tấn công mặt đất, nhưng nó không tốt bằng F-15E Strike Eagle. … Nó là một máy bay tốt ở hầu hết mọi thứ, nhưng nó không phải là tốt nhất ở bất kỳ điều gì”.

Flanker siêu cơ động

Trong khi đó, Su-35 được hình thành vào đầu những năm 1980 như một phiên bản cơ động hơn của Su-27 Flanker (do đó Su-35 được gọi là "Flanker-E" hoặc "Super Flanker"). Sau khi Sukhoi thử nghiệm nhiều nguyên mẫu khác nhau dưới thời chính phủ Liên Xô và sau đó là Nga, Su-35 hiện tại đã hình thành vào đầu những năm 2000 như một Su-27 cải tiến với một số khả năng không đối đất khiến nó giống máy bay ném bom chiến đấu.

Su-35 lấn át F-16 về kích thước. Su-35 lớn hơn F-16 khoảng 5%; với trọng lượng hơn 18 tấn, gần gấp đôi trọng lượng của Viper. Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30 mm cũng như hàng chục giá treo có khả năng phóng một loạt vũ khí không đối không và không đối đất.

 

Điều khiến Ukraine và phương Tây đặc biệt lo ngại là tên lửa không đối không tầm xa R-37 và R-77 dẫn đường bằng radar, đây là loại vũ khí bắn và quên có thể bắn hạ máy bay Ukraine từ ngoài tầm bắn của tên lửa không đối không Ukraine.

Thông thường, một phương tiện nhỏ hơn có khả năng cơ động hơn một phương tiện lớn hơn. Nhưng đối với máy bay phản lực chiến đấu, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Trong trường hợp này thì Su-35 được coi là “siêu cơ động”. Phần lớn là vì nó sử dụng hệ thống đẩy vector, sử dụng các vòi phun có thể điều khiển để định hướng lực đẩy của động cơ. Sử dụng khả năng chỉ có trên một số ít máy bay—bao gồm F-22 và Su-30MKI—Su-35 có thể thực hiện “động tác Cobra” ngoạn mục, theo đó máy bay chiến đấu sẽ đột ngột giảm tốc độ buộc máy bay địch phía sau phải vượt qua.

Mặc dù gây ấn tượng tại các buổi trình diễn hàng không, động tác Cobra cũng làm mất đi tốc độ và năng lượng của máy bay, điều này không tốt trong không chiến. Và cơ động cũng không phải là yếu tố chính trong không chiến hiện đại.

Xu hướng hiện nay là các máy bay chiến đấu hoạt động như những tay súng bắn tỉa trên không, lén lút tiêu diệt con mồi bằng tên lửa không đối không tầm xa mà mục tiêu thậm chí không phát hiện cho đến khi quá muộn.

Cận cảnh buồng lái, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại OLS-35 (IRST) và vòi phun điều hướng lực đẩy trên Su-35. 

Ông Tannehill cho biết: “Điều thực sự quan trọng là radar, phạm vi tiếp cận, khả năng kết nối [mạng] của bạn và mức độ quan sát của bạn. Radar quyết định khi nào bạn nhìn thấy đối thủ. Phạm vi tiếp cận cho phép bạn xác định khi nào bạn có thể bắn. Mức độ quan sát thấp cho phép bạn tiến gần hơn”.

Thật vậy, đây là mô hình trong chiến sự Nga-Ukraine. Lo sợ các tên lửa đất đối không tiên tiến như S-400 của Nga và Patriot của Mỹ, cả máy bay Nga và Ukraine đều ở lại phía tiền tuyến của mình, thay vì xâm nhập không phận của đối phương. Ngay cả khi Su-35 thực sự có khả năng siêu cơ động thì xung đột tại Ukraine vẫn chưa tạo cơ hội để thể hiện điều đó.

Su-35 bắn tỉa tốt hơn

Thật không may cho Ukraine, Su-35 là loại máy bay nguy hiểm trong không chiến. Đầu tiên, Su-35 có thể phát hiện F-16 trước khi Viper phát hiện Flanker-E; radar Irbis-E của Su-35 được cho là có thể phát hiện mục tiêu trên không cách xa tới 400 km, theo nhà sản xuất Tikhomirov.

Irbis là hệ thống mảng quét điện tử thụ động (PESA), sử dụng một máy phát/máy thu duy nhất để phát ra một chùm tia duy nhất trên một tần số duy nhất thông qua nhiều ăng-ten. Điều này cho phép chùm tia radar được nhắm theo các hướng khác nhau mà không cần phải xoay cơ học các ăng-ten.

Radar N035 Irbis-E trên Su-35.

Hệ thống này không tiên tiến bằng các radar AESA được sử dụng trên nhiều máy bay chiến đấu phương Tây - bao gồm cả các mẫu F-16 Block 70 và Block 72 mới nhất - sử dụng nhiều máy phát để phát ra nhiều tín hiệu ở nhiều tần số cùng một lúc. Radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu và ít bị nhiễu hơn.

Tuy nhiên, Ukraine không có F-16 được trang bị AESA. Radar AN/APG-66(V)2 của F-16 là hệ thống xung-doppler có gimballed với ăng-ten được điều khiển cơ học, cung cấp khả năng quét chậm hơn trên một tần số tại một thời điểm. Ông Tannehill  hài hước: "Xung-doppler hét lên phong cách cổ điển của thập niên 80".

Ngoài ra, radar của Su-35 mạnh hơn, với công suất 5 kilowatt so với công suất chỉ 770 watt của AN/APG-66(V)2.

Bảng vẽ cấu tạo Su-35.

Như thể radar vượt trội là chưa đủ, Su-35 còn có tên lửa tốt hơn. R-37 có phạm vi phát hiện mục tiêu ước tính là 400 km (249 dặm), trong khi R-77-1 có phạm vi là 110 km (68 dặm). Những tên lửa dẫn đường chủ động "bắn và quên" này sẽ lao đến gần mục tiêu, sau đó sử dụng radar trên máy bay để tự dẫn đường tiêu diệt.

Hiệu quả của những tên lửa này ở tầm bắn xa như vậy hiện vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng đối với các máy bay phản lực cũ của Ukraine, Su-35 thực sự nguy hiểm. Các máy bay chiến đấu của Ukraine được trang bị tên lửa R-27 thời Liên Xô có tầm bắn khoảng 50 dặm. Những vũ khí đầu những năm 1980 này sử dụng radar bán chủ động, đòi hỏi máy bay phóng phải liên tục chiếu sáng mục tiêu bằng chùm tia radar.

“Các phi công Ukraine xác nhận rằng Su-30SM và Su-35S của Nga hoàn toàn vượt trội so với máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine về mặt kỹ thuật”, theo báo cáo từ tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute của Anh. “Trong suốt cuộc chiến, các máy bay chiến đấu của Nga thường xuyên có thể khóa radar và phóng tên lửa R-77-1 vào các máy bay chiến đấu của Ukraine từ khoảng cách hơn 100 km. Những cú bắn như vậy buộc các phi công Ukraine phải phòng thủ hoặc có nguy cơ bị bắn trúng khi vẫn ở rất xa ngoài tầm bắn hiệu quả của họ và một vài cú bắn tầm xa như vậy đã trúng đích”.

 

Kết luận

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, kết quả của cuộc đối đầu giữa Flanker-E và Viper còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chất lượng của máy gây nhiễu và mồi bẫy trên không, mức độ tích hợp của các máy bay chiến đấu này vào radar và tên lửa trên mặt đất.

Và vẫn còn những yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới kết quả khi 2 máy bay tham gia chiến đấu. Chỉ khi chúng được đối đầu trong tình huống thực tế mới có thể đánh giá chiếc tiêm kích nào hiệu quả hơn.

 

Tin nổi bật