Dù nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 nhưng số ca mắc mới mỗi ngày vẫn gia tăng và tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt mốc 100 triệu người.
Hơn 100 triệu người trên toàn cầu đã bị nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters |
Theo số liệu thời gian thực trên trang thống kê worldometers, tính đến 9h ngày 26/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 100.269.107, tăng 448.670 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Trong đó, 2.148.644 trường hợp đã tử vong, tăng 9.591 ca.
Mỹ vẫn đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với tổng số 25.828.054 ca nhiễm và 431.042 ca tử vong được ghi nhận, tăng lần lượt 145.715 và 1.815 trong vòng 24 giờ qua.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục vượt 100.000 người. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết cơ quan này đang tăng cường nỗ lực theo dõi các biến thể của virus nhằm đảm bảo rằng vaccine và phương pháp điều trị luôn đi trước các biến thể mới của virus cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tại châu Âu, tình hình tiếp tục nghiêm trọng tại một số nước như Pháp với số ca nhập viện vượt mốc 1.000 trong 2 ngày qua trong khi Tây Ban Nha có hơn 93.000 ca mắc COVID-19 mới chỉ trong cuối tuần qua.
Anh ghi nhận thêm 592 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 98.531, cao nhất ở châu Âu. Nước này báo cáo 3.669.658 ca nhiễm, tăng 22.195 ca so với ngày hôm trước.
Dù số ca mắc mới tại Anh bắt đầu có xu hướng giảm từ đầu tháng 1/2021 nhưng Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cần phải giảm thêm nữa mới đủ an toàn.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ nước này đang xem xét thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới vì lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus có khả năng vô hiệu hóa vaccine phòng bệnh.
Tại châu Á, Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nước này bắt đầu xuất hiện những điểm bùng phát dịch mới với hơn 100 ca nhiễm mỗi ngày trong những ngày gần đây.
Đặc biệt, đợt bùng phát lần này nằm ở các tính phía Đông Bắc và gần Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, trong bối cảnh hàng trăm triệu người dự kiến sẽ về quê để ăn Tết.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ăn tập thể; khuyến khích người lao động tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh làm việc tại nhà.
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Nhật Bản bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành.
Nhật Bản ghi nhận thêm 4.152 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 364.813 ca.
Chủ tịch hội Y học nước này Toshio Nakagawa cho rằng rất khó để Nhật Bản tiếp đón người nước ngoài tới tham dự Olympic và Paralympic Tokyo trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cảnh báo hệ thống y tế đang sụp đổ ở nhiều khu vực do số ca nhiễm mới gia tăng, ông Nakagawa bày tỏ quan ngại số bệnh nhân COVID-19 sẽ tăng hơn nữa nếu Thế vận hội Tokyo vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan mới công bố chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 vào tháng 2/2021, theo đó nước này sẽ phân phối 50.000 liều vắc xin của AstraZeneca cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Lực lượng nhân viên y tế tại tỉnh Samut Sakhon - tâm dịch bùng phát mới nhất ở nước này - sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, tiếp sau là người cao tuổi và người có bệnh nền. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 13.687 ca mắc COVID-19, trong đó có 75 ca tử vong.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 999.256 ca nhiễm, tăng 9.994, trong đó 28.132 người chết, tăng 297.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4.
Hoa Vũ (T/h)