Giáo sư Leo Yee Sin, giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NCID), nhận định Singapore sẽ không thể từ bỏ cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Chia sẻ với hãng tin Straits Times, ông Leo cho biết: "Nếu chúng ta đã áp dụng 100% biện pháp phòng dịch trong năm 2020 thì chúng ta cần làm tới 200% trong năm 2021 vì đó là những gì cần thiết để chống lại biến thể Delta. Chúng ta không thể chỉ dựa vào vaccine ngừa COVID-19".
Điều này có nghĩa là các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ và giữ sức khoẻ vẫn sẽ cần được áp dụng ngay cả khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Giám đốc NCID đã chỉ ra các đặc điểm khiến biến thể Delta dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với những biến thể trước đây của SARS-CoV-2.
Singapore đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Ảnh: Straits Times
Cụ thể, đặc điểm đầu tiên là những bệnh nhân mắc biến thể Delta thường sẽ làm lan truyền lượng virus lớn hơn. Các nghiên cứu quốc tế đã phát hiện biến thể Delta có khả năng bám vào đường hô hấp của một người tốt hơn, khiến nó dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác. Bên cạnh đó, thời gian ủ bệnh của Delta đã rút ngắn xuống còn khoảng 3-5 ngày, đồng nghĩa với việc khả năng lây truyền của biến thể này cũng đã nhanh hơn.
Giáo sư Leo nhận định nếu không thể kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta đúng cách, Singapore sẽ rơi vào tình cảnh số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là loại virus này có thể làm gia tăng rất nhanh số ca bệnh trong cộng đồng".
Trong 1 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại Singapore đang có dấu hiệu gia tăng với một vài cụm dịch tại các điểm xe buýt, ký túc xá công nhân nhập cư và trung tâm mua sắm.
Singapore đang thực hiện kế hoạch "chung sống với COVID-19". Ảnh: BBC
Theo quan sát của Phó Giáo sư Matthias Toh, Giám đốc Đơn vị Dịch tễ và Y tế Công cộng Quốc gia tại NCID, từ tháng 2 đến tháng 12 năm ngoái, Singapore có khoảng 200 ca bệnh cộng đồng mỗi tháng. Con số này đã tăng lên 590 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, một phần là do biến thể Delta. Tuần qua, số trường hợp mắc mới trong cộng đồng đã tăng lên 1.325 trường hợp, nhiều hơn so với 723 trường hợp được ghi nhận trong tuần trước đó.
Ngày 6/9, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đã công bố các biện pháp mới để làm chậm sự lây nhiễm của biến thể Delta và kéo dài thời gian cho người dân Singapore đi tiêm vaccine. Động thái này được đưa ra do vaccine hiện nay có khả năng ngăn ngừa các triệu chứng nặng của COVID-19 nhưng lại kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus, đặc biệt đối với biến thể Delta.
Theo đó, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết vaccine chỉ có hiệu quả khoảng 40% trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể sẽ suy yếu trong vài tháng sau khi người dân tiêm đủ 2 mũi.
Dù vậy, Giáo sư Leo Yee Sin nhận định mỗi % tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên tại Singapore đều mang đến "lợi ý đáng kể" trong việc bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, đặc biệt là những người cao tuổi, dễ bị tổn thương. Ông chia sẻ: "Vì vậy, dù đó là nỗ lực cuối cùng để tiếp cận những người lớn tuổi chưa được tiêm chủng, chúng ta vẫn nên thử".
Các biện pháp phòng dịch vẫn cần được thực hiện ngay cả khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Straits Times
Ông Leo nói thêm dù những người tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi mắc bệnh có khả năng hồi phục nhanh hơn nhưng đó không phải lý do để người dân hạ thấp cảnh giác với dịch bệnh. Giám đốc NCID nhấn mạnh: "Rất nhiều người cảm thấy rằng sau khi tiêm chủng, họ có thể thư giãn. Thông điệp mà chúng tôi muốn mọi người ghi nhớ là: Không có thời gian cho sự chủ quan, ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng".
Phó Giáo sư Matthias Toh nói thêm: "Tôi hy vọng hành động của mọi người sẽ không thay đổi sau khi họ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19".
Một điều nữa cần ghi nhớ đó là virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi. Tại nhiều quốc gia, giới chức y tế đã báo cáo về các trường hợp biến thể Delta Plus với một số điểm khác biệt về gen so với biến thể Delta ban đầu. Do đó, giám đốc NCID lưu ý người Singapore không nên cho rằng tình hình sẽ không thay đổi.
Hiện nay, NCID đang thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu thái độ của người Singapore đối với việc tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi xuất hiện triệu chứng COVID-19. Theo đó, cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ hơn 1.000 người. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số những người tham gia nói rằng họ sẽ đến gặp bác sĩ và xét nghiệm nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh.
Ông Leo nhận định điều này cần phải thay đổi, đặc biệt là khi những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh và làm lây lan virus ra cộng đồng.
Minh Hạnh (Theo Straits Times)