Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sầu riêng loạn giá, vùng trồng giảm sâu, giá bán lẻ nội địa vẫn cao

  • Phương Uyên (T/h)
(DS&PL) -

Giá sầu riêng ở vùng trồng giảm sâu nhưng giá bán lẻ nội địa vẫn ở mức cao, chênh lệch giữa nhiều điểm bán

Theo báo Người lao động, những ngày nghỉ lễ, ghi nhận giá sầu riêng bán lẻ tại TP.HCM chênh lệch rất lớn tại nhiều điểm bán. Ở các điểm bán vỉa hè, sầu riêng nguyên trái phổ biến từ 60.000 – 70.000 đồng/kg; siêu thị từ 90.000 – 115.000 đồng/kg. 

Ngay tại siêu thị, giá sầu riêng miền Tây cũng rất chênh lệch. Ví dụ, tại Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), giá sầu riêng Ri 6 Huỳnh Lâm là 115.000 đồng/kg (giá gốc 139.000 đồng/kg) trong khi cũng giống sầu riêng này, không có thương hiệu mà chỉ ghi xuất xứ Tiền Giang, Bến Tre là 73.500 đồng/kg (giá gốc 108.000 đồng/kg).

Tại siêu thị Kingfoodmart, giá sầu riêng là 90.000 đồng/kg nhưng cỡ nhỏ hơn. Tại một điểm bán trái cây ở hẻm đường Trường Sa (quận Bình Thạnh), sầu riêng Ri 6 còn 60.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với gần 1 tháng trước. Chủ cửa hàng liên tục giới thiệu khách hàng nên tranh thủ mua bởi sầu riêng đang có giá rẻ hiếm có.

Giá sầu riêng ở vùng trồng giảm sâu nhưng giá bán lẻ nội địa vẫn ở mức cao. Ảnh: Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Trong khi sầu riêng bán lẻ trong nước không phân loại rõ ràng, đa số các điểm bán đều tự xưng là sầu riêng ngon, "bao ăn" thì sầu riêng xuất khẩu có tiêu chuẩn rõ ràng. Ngày 1/5, các vựa thu mua xuất khẩu thông báo sầu riêng Ri 6 loại A là 53.000 đồng/kg, loại B là 33.000 đồng/kg; loại C và D từ 25.000 – 28.000 đồng/kg.

Theo Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam, bức tranh xuất khẩu sầu riêng đang đối mặt nhiều thách thức. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tính đến hết ngày 21/4, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 453 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguyên nhân chính được xác định là do xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong quý I chỉ đạt khoảng 521 triệu USD, giảm hơn 238 triệu USD so với cùng kỳ, tương đương mức sụt giảm 31%. Việc kiểm soát chặt chẽ các lô hàng, yêu cầu về chất lượng cao và thời gian kiểm định kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Trong khi đó, thị trường Mỹ lại ghi nhận mức tăng trưởng đến 65%, đạt hơn 111,5 triệu USD nhờ vào đẩy mạnh xuất khẩu dừa, thanh long và xoài. Sự phân hóa rõ nét giữa các thị trường cho thấy xuất khẩu sầu riêng cần có chiến lược linh hoạt và nâng cao chất lượng hơn nữa.

Dù xuất khẩu sầu riêng sụt giảm trong quý đầu năm, ngành rau quả Việt Nam vẫn có cơ sở kỳ vọng vào sự phục hồi trong quý II/2025. Các chuyên gia đánh giá, nếu kiểm soát vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt vẫn có thể trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay

Theo báo Người lao động, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chậm lại do thời gian thông quan kéo dài, có doanh nghiệp phản ánh mất cả tuần mới xong một lô trong khi trước đây hàng đi rất nhanh.

Về việc giá bán lẻ sầu riêng trong nước bị "loạn" và khá cao so với giá từ nhà vườn, ông Mười cho hay sầu riêng là quả khó, tỉ lệ hao hụt, hư hỏng cao nên làm đội chi phí. Ngoài ra, tùy theo chất lượng mà giá sầu riêng ở mỗi nơi cũng khác biệt.

Tin nổi bật