Nếu so tài sản của bà Thảo với giá trị cổ phiếu đang nắm giữ của các đại gia nữ trên sàn chứng khoán hiện nay, bà Thảo có thể góp mặt trong top 10 người giàu nhất, ở vị trí thứ 6.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Thanh Niên |
Theo báo Thanh Niên, sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm và tạm dừng phiên tòa để xác minh thêm chứng cứ, chiều 27/3, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ “tranh chấp ly hôn” giữa nguyên đơn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Theo đó, về quan hệ hôn nhân gia đình, HĐXX đánh gía hai bên đều thừa nhận mục đích hôn nhân không đạt được nên chấp nhận vì hai bên đều hoàn toàn tự nguyện.
Về con chung, HĐXX giao 4 con chung cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo nuôi dưỡng theo nguyên vọng các cháu. Đồng thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 cháu, từ năm 2013 đến khi các cháu học xong đại học, theo thỏa thuận các bên tại tòa. "Sau này khi các cháu trưởng thành mà không có khả năng nuôi sống bản thân thì các bên có thể thỏa thuận lại về nội dung cấp dưỡng, nếu có", tòa nêu.
Về phân chia 13 bất động sản chung, theo tòa, do hai bên đã thống nhất về giá trị khoảng 725 tỉ đồng và cách chia, mỗi bên hưởng 50%. Đồng thời, tại phiên tòa, các bên thống nhất ai đang sở hữu và quản lý bất động sản nào thì tiếp tục quản lý và sở hữu tài sản đó, nên HĐXX tuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục sở hữu 7 bất động sản, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản còn lại. Bà Thảo trả phần giá trị chênh lệch cho ông Vũ.
Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên, HĐXX tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phần chênh lệch cao hơn bà Thảo, là 60% (ông Vũ) - 40% (bà Thảo). Đồng thời ông Vũ sẽ nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn tiền cho bà Thảo để đảm bảo việc tập đoàn Trung Nguyên sẽ kinh doanh, sản xuất ổn định.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Thanh Niên. |
Sau cuộc ly hôn nghìn tỷ này, nhiều người đặt câu hỏi bà Lê Hoàng Diệp Thảo giàu cỡ nào?
Theo thống kê trên Zing.vn, phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay (tính trong những người đã công khai tài sản sở hữu) cũng là một doanh nhân cùng tên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air.
CEO của Vietjet Air sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,2 tỷ USD, theo Forbes. Số tài sản này được tính thông qua số tiền mặt, vàng, ngoại tệ, bất động sản và số cổ phần bà ở hữu tại các công ty của mình. Trong đó, tài sản từ số cổ phần sở hữu tại các doanh nghiệp đã niêm yết đạt gần 28.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam và là nữ doanh nhân duy nhất được thống kê và định giá tài sản. Trong khi đó khối tài sản của các nữ doanh nhân khác vẫn còn là ẩn số.
Bà Diệp Thảo có thể lọt top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam. Ảnh: Zing.vn |
Nếu so tài sản của bà Thảo với giá trị cổ phiếu đang nắm giữ của các đại gia Việt trên sàn chứng khoán hiện nay, bà Thảo cũng sẽ lọt vào top 20 người giàu nhất Việt Nam. Còn nếu chỉ so trong nhóm các nữ doanh nhân, bà Thảo có mặt trong top 10 người giàu nhất, ở vị trí thứ 6.
Số tiền bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu gần tương đương tài sản trên sàn chứng khoán của nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, người sở hữu gần 43% vốn doanh nghiệp.
Trong khi đó, tài sản của bà Thảo gấp đôi giá trị cổ phần mà nữ đại gia Chu Thị Bình, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nắm giữ.
Hàng loạt nữ đại gia, doanh nhân của Việt Nam cũng sẽ xếp sau bà Thảo về số tài sản sở hữu bao gồm nữ đại gia Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên); bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thành Thành Công hay bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Quốc Cường Gia Lai…
*Những so sánh trên chỉ mang tính tương đối, vì các doanh nhân còn các tài sản khác chưa được thống kê, định giá, gồm tiền mặt, vàng, ngoại tệ, và bất động sản.
Thu Hằng (T/h)