"Tôi muốn thông báo một tin tốt. Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được gia hạn thêm 2 tháng", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công bố trên truyền hình ngày 17/5. Ông đồng thời cảm ơn các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vì những nỗ lực giúp gia hạn thỏa thuận.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được gia hạn. Ảnh minh họa
Phía Moscow và Kiev cũng xác nhận thông tin này. "Đây là cơ hội để giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Trước hết là giúp đỡ các quốc gia đang gặp khó khăn nhất", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Dòng tàu thuyền đi qua hành lang xuất ngũ cốc đã bị đình trệ trong vài ngày qua khi thoả thuận cũ hết hạn ngày 18/5.
Phía Moscow nhấn mạnh rằng những sai lệch trong quá trình thực hiện thoả thuận ký ngày 22/7/2022 ở Istanbul cần được khắc phục càng sớm càng tốt.
Xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng các hạn chế về thanh toán, logistics và bảo hiểm trở thành rào cản với các chuyến hàng.
Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc nói, thỏa thuận đã được gia hạn vì "chúng tôi vẫn không mất hi vọng" rằng các vấn đề với hàng xuất khẩu của Nga sẽ được giải quyết.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ hồi tháng 7/2022, với vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, đại diện Nga và Liên Hợp Quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của nước này ra thị trường thế giới, trong khi phái đoàn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Sáng kiến này được gia hạn lần đầu vào tháng 11/2022 với thời gian là 120 ngày và tiếp tục gia hạn thêm 60 ngày, cho đến ngày 18/5. Gần đây, Nga tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận sau khi thời gian gia hạn kết thúc vào ngày 18/5 nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết, nhờ có sáng kiến này, tính đến nay, hơn 30 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu an toàn từ các cảng ở Biển Đen. Trong đó, có khoảng 600.000 tấn lúa mì đã được vận chuyển bằng tàu do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuê nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo ở các nước như Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.
Mộc Miên (Theo Reuter, Aljazeera)