Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh…
Theo điều tra ban đầu, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991) trú tại Chung cư Hapulico, Quận Thanh Xuân, Hà Nội đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985) trú tại Quận Bình Tân, TP.HCM sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Các đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, chúng đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn, nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Thủ đoạn các đối tượng sử dụng là, đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, chúng không làm giả sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự đặt ra các tên thuốc, tên công ty có trụ sở nước ngoài, chủ yếu là tại Hồng Kông, Malaysia, Singapore… nên dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả thu lợi 200 tỷ đồng
Đánh giá về vụ án này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, tất cả các hàng hóa là hàng giả đều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh còn có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, mức cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo thông tin ban đầu thì cơ quan điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố đến 14 đối tượng về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo điều 194 BLHS, quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý đối với các bị can theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 4, Điều 194 bộ luật hình sự về tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh thì mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình.
"Theo quy định của pháp luật thì hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình. Trong vụ án này bước đầu cơ quan điều tra xác định giá trị của hàng hóa lên đến 200 tỷ đồng, đây là thuộc trường hợp đặc biệt lớn nên các bị can bị khởi tố về tội danh này sẽ bị xem xét xử lý ở khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt là tử hình.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án có đồng phạm thì sẽ căn cứ vào vai trò đồng phạm để cá biệt hóa vai trò, có mức hình phạt phù hợp đối với từng người phạm tội. Theo đó với những người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn. Với những người có hành vi giúp sức, xúi giục, vai trò không đáng kể thì mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn", luật sư Cường nhận định.
Các đối tượng trong đường dây thuốc giả
Hành vi nguy hiểm cho xã hội
Cũng theo luật sư, hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên bộ luật hình sự quy định chỉ cần thực hiện hành vi này là bị xử lý hình sự, không phụ thuộc vào số tiền hưởng lợi cũng như số lượng, giá trị của hàng hóa. Mức hình phạt với cá nhân thấp nhất là 2 năm tù, mức cao nhất là tử hình.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo điều 194 Bộ luật Hình sự còn xử lý đối với pháp nhân thương mại. Theo đó pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng hình phạt là phạt tiền đến 20.000.000.000 đồng, tước giấy phép đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
"Sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là một hoạt động đặc biệt, đặc thù, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, trong đó có bộ y tế, bộ công thương và nhiều cơ quan tổ chức có liên quan. Bởi vậy ngoài việc xem xét hành vi phạm tội của các bị can về việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thuốc phòng bệnh thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xem xét trách nhiệm pháp lý và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm", luật sư Cường nhận định.
Theo luật sư Cường, trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh dược phẩm thuộc về Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý Dược, cùng với Sở Y tế các địa phương. Đây là những cơ quan có chức năng quản lý chất lượng thuốc lưu hành, cấp phép và kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và cơ quan điều tra công an cũng tham gia phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế.
“Việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra người phạm tội còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, khắc phục hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội. Số tiền thu được từ hành vi phạm tội sẽ bị tịch thu, những tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc từ tội phạm cũng sẽ bị tịch thu để xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Theo luật sư Đặng Văn Cường, với quy mô gần 200 tỷ đồng, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, hoạt động trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, các bị can trong vụ án này hoàn toàn có thể bị xem xét ở khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ án hình sự liên quan đến lừa dối khách hàng, quảng cáo gian dối, sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm, sữa bột, đến nay lại xuất hiện thêm vụ án sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gây bức xúc, bất an trong dư luận xã hội.
Bởi vậy ngoài việc xem xét xử lý nghiêm hành vi phạm tội của các bị can thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xác định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra để bảo vệ tính mạng, sức của người bệnh, của người tiêu dùng, đảm bảo công bằng và an toàn xã hội.
“Vụ án này là một hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức kinh doanh của những người kinh doanh các sản phẩm là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Dù hành vi phạm tội có tinh vi đến đâu, có sự cấu kết bao che dung túng hay phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi xạo quyệt thì cũng sẽ bị phát hiện, bị xử lý và phải chịu chế tài của pháp luật, những hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, là thuốc chữa bệnh sẽ gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng xã hội nên người phạm tội sẽ phải chịu mức án nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.