Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Tết Nguyên đán đang cận kề, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng hóa dồi dào để cung ứng ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng.
Điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội – nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của làng quê Việt Nam. Bên cạnh mái đình, giếng nước, gốc đa và những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi, làng cổ còn có đặc sản dân dã của vùng đất này như: Kẹo lạc, kẹo dồi, chè kho, tương nếp, bánh tẻ… Đó là sản vật quê hương kết tinh tâm huyết và tấm lòng yêu nghề của nhiều gia đình ở làng, trong đó có những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP.
Kẹo lạc, kẹo dồi, chè kho, tương nếp, bánh tẻ, trong đó có những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Đó không chỉ là sản vật quê hương mà là sự kết tinh và tấm lòng yêu nghề của nhiều gia đình ở làng.
Đến với cơ sở sản xuất kẹo lạc Quý Thảo ở Làng cổ Đường Lâm trong dịp cận Tết, ngay từ xa đã thấy mùi thơm của mạch nha, lạc, vừng rang – những nguyên liệu để sản xuất kẹo. Cơ sở sản xuất kẹo lạc Quý Thảo có 2 sản phẩm là kẹo lạc và kẹo dồi đạt được chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2019.
“Ngày bình thường cơ sở chúng tôi làm 8 tiếng. Còn những ngày giáp Tết, đơn đặt hàng nhiều hơn nên chúng tôi làm 12 tiếng/ngày. Càng những ngày nghỉ thì chúng tôi lại càng không được nghỉ, cố gắng hoàn thành các đơn đặt hàng thật sớm, để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất”, ông Kiều Văn Quý, Cơ sở sản xuất kẹo lạc Quý Thảo cho hay.
Vì đơn đặt hàng nhiều, nên các thành viên tại cơ sở sản xuất đều làm việc hối hả, tất bận để kịp giao kẹo cho khách. Thế nhưng, theo ông Quý, chất lượng sản phẩm vẫn phải được đặt lên hàng đầu, bởi đó là uy tín của gia đình từ nhiều đời nay, hơn nữa nó còn là uy tín của một trong những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Làng cổ Đường Lâm, TX Sơn Tây.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi có gần 10 gia đình đạt được chứng nhận OCOP, có gia đình đạt được 2-3 sản phẩm OCOP. Bảo tồn nghề truyền thống, nguyên liệu để làm sản phẩm OCOP phải được trồng trên đất sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Các hộ phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đăng kí bản quyền, đảm bảo chất lượng các cấp các nghành đánh giá”.
Những bức tranh kính được chạm khắc tinh tế.
Cách Làng cổ Đường Lâm vài km, tại một con ngõ nhỏ ở phường Trung Sơn Trầm, TX Sơn Tây, những nghệ nhân, họa sĩ đang miệt mài tạo ra những sản phẩm tranh kính nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu kính siêu bền để phục vụ người dân trong dịp tết này.
Nhắc đến tranh kính nghệ thuật Việt Nam người ta sẽ nhớ ngay đến cái tên Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, ông là người sáng chế ra công nghệ sản xuất dòng tranh kính Made in Việt Nam, các sản phẩm của ông hiện được ứng dụng nhiều nhất trong kiến trúc, đền chùa, nhà thờ, nội thất.
Cơ sở của ông hiện có 23 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, như tranh kính Rồng nhà Lý, thành cổ Sơn Tây, cổng làng Mông Phụ... với mong muốn gìn giữ, truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp tới người dân. Nhờ đó, số lượng đơn đặt hàng tăng lên từ 15-20%.
“Từ khi nhận được chứng nhận OCOP tinh thần của nghệ nhân, người thợ cũng phấn chấn hơn, nâng cao mức sống cho người thợ, giúp người thợ sáng tạo ra nhiều mẫu mã hơn.
Tết là thời điểm bận rộn nhất trong năm, thậm chí ngày làm 3 ca vẫn chưa hết việc. Phải đến khoảng 30 Tết mới được nghỉ”, Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh chia sẻ.
Dù đã có rất nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao nhưng người nghệ nhân nơi đây vẫn tiếp tục mày mò, sáng tạo để phát triển tranh kính nghệ thuật Việt Nam không những được biết đến rộng rãi trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Tại Hà Nội, hiện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn cả nước và đây cũng là một trong những cơ sở để các đơn vị thúc đẩy, tiêu thụ sản phẩm, thông qua kênh phân phối trong nước và quốc tế.
“Gắn với dịp Tết Nguyên Đán, Trung tâm đã và đang tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp trong đó có sản phẩm OCOP như hoạt động xúc tiến thương mại các tỉnh thành phố lớn và gần đây nhất là trên địa bàn các Quận, huyện: Cầu Giấy, Thanh Oai...”
Sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế, việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, truyền tải và phát huy các giá trị văn hóa đẹp đẽ đến với người tiêu dùng. Dịp Tết đến xuân về, những sản phẩm OCOP còn đang góp phần tô điểm thêm cho mâm cỗ, trang trí ko gian nội thất thêm tươi đẹp, ấm cúng hơn.
Thảo Ly