Nhiều người cho rằng gen bố mẹ quyết định chiều cao của con cái, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chứng minh di truyền chỉ chiếm 23% mà thôi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều cha mẹ đang có nhận thức sai lầm về quá trình phát triển chiều cao ở trẻ. Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất ở phụ huynh là quan niệm chiều cao của trẻ được quyết định bởi yếu tố di truyền, tức là nếu cha mẹ thấp, con sẽ thấp. Ngược lại, nếu cha mẹ cao, trẻ sẽ thừa hưởng yếu tố này và mặc định cao lớn.
Quan niệm bố mẹ thấp thì còn cũng thấp là sai lầm. |
Các nghiên cứu khoa học đã kết luận có 4 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao. Trong đó, di truyền chiếm 23%, dinh dưỡng 32%, môi trường sống cùng giấc ngủ 25%, vận động và thể thao 20%. Điều này nghĩa là gen di truyền - yếu tố không thể thay đổi được chỉ quyết định 23% khả năng tăng trưởng chiều cao. Trong khi đó, cha mẹ có thể tác động tới các yếu tố dinh dưỡng, tập luyện và giấc ngủ, môi trường sống - đóng góp 77% chiều cao khi trưởng thành của trẻ.
Trẻ có 3 giai đoạn mà cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì, người ta còn gọi là 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao. Để trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần nắm bắt và tận dụng được 3 giai đoạn vàng này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ở giai đoạn bào thai, trẻ sẽ dài khoảng 50cm nếu được nuôi dưỡng tốt trong bụng mẹ. Ở giai đoạn ba năm đầu đời, trong 12 tháng đầu trẻ tăng trung bình 25cm, từ 1-3 tuổi mỗi năm tăng thêm khoảng 10cm. Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (8-18 tuổi), chiều cao của trẻ tăng nhanh. Đặc biệt trong 1-2 năm trước khi dậy thì, chiều cao có thể tăng vọt 8-12 cm/năm.
Dinh dưỡng đóng góp phần quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. |
Để đạt được điều này, ngoài việc áp dụng đúng các yếu tố giúp trẻ tăng chiều cao thì các bậc cha mẹ cần loại bỏ những hiểu biết sai lầm thường mắc như:
Chế độ dinh dưỡng giàu canxi là đủ để cao
Với quan niệm canxi là “vitamin cao”, nhiều cha mẹ cho rằng chỉ cần ăn, uống những thực phẩm giàu canxi sẽ giúp bé cao hơn.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, canxi là dưỡng chất quan trọng nhất khi chiếm 99% cấu trúc xương và răng. Tuy nhiên, trẻ cũng cần được bổ sung các “vitamin cao” khác như vitamin K2 và D3 để cơ thể hấp thu canxi tối ưu.
Vitamin K2 có tác dụng hoạt hóa protein tạo xương osteocalcin, giúp gắn canxi vào xương, xây dựng và phát triển khung xương hiệu quả, giảm thiểu việc canxi lắng đọng vào thành mạch. Trong khi đó, vitamin D3 giúp xương hấp thu canxi hiệu quả hơn. Một chế độ ăn cân đối, đầy đủ các nhóm chất bột đường, đạm, béo, sữa, rau và trái cây rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao của trẻ.
Để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao của trẻ, sữa với hàm lượng canxi dồi dào được đánh giá là nguồn thực phẩm thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Cho con ăn kiêng
Theo TS. Nguyễn Văn Lượng - Khoa Chấn thương Chỉnh hình tổng hợp Bệnh viện TƯQĐ 108 - mỗi bé sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đều có các mốc trưởng thành và phát triển khác nhau. Chế độ ăn kiêng dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên không được khuyến khích vì đây là giai đoạn cần nguồn dinh dưỡng thiết yếu để tăng trưởng về cân nặng và chiều cao của trẻ.
Nếu trẻ có tăng cân hơn, đừng vội áp dụng các biện pháp ăn kiêng như người trưởng thành mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp cho đến khi con bạn trưởng thành.
Tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao
Trên thị trường quảng cáo nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao, tuy nhiên hầu như các thuốc này có thành phần chính là Canxi, vitamin D3, vitamin K2 (MK7). Ngoài ra, một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng.
Hormone tăng trưởng có tên là Growth hormone (GH), do thùy trước tuyến yên tiết ra có tác dụng ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng của tế bào, làm tăng cả kích thước và kích thích quá trình phân bào, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất ở tất cả tế bào, tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Quá trình bài tiết hormone tăng trưởng được cơ thể tự điều hòa phù hợp với giai đoạn phát triển của cơ thể.
Thuốc chứa hormone tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người (hGH=human growth hormon), được dùng trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn mà khi xét nghiệm có nồng độ GH máu thấp, nhưng cũng ở mức hạn chế.
Vận động hợp lý là cách giúp trẻ phát triển chiều lành mạnh. |
Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không do thiếu GH thì dùng hGH không có hiệu quả. Khi dùng hGH với liều cao hoặc kéo dài thì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như: Giữ nước, phù, sưng ngón tay, to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người đã hết thời kỳ phát triển, có thể gây ra chứng to các đầu chi, tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa…
"Vì vậy, bố mẹ khi nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng cho con mình, đặc biệt không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ", TS Lượng khuyến cáo.
Dùng máy móc tăng chiều cao
Hiện nay, một số loại máy móc được quảng cáo là có tác dụng tăng chiều cao. Tuy nhiên, các loại máy móc này thực ra chỉ có tác dụng như trẻ tập thể thao.
Phát triển chiều cao là quá trình trải dài nhiều năm tháng, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và trang bị đầy đủ kiến thức để mang đến cho con điều kiện sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
Minh Khôi (T/h)