Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rác thải nhựa hiểm họa đối với sự sống của con người

(DS&PL) -

Ô nhiễm rác thải nhựa và biến đổi khí hậu là hai mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi Quốc gia.

(ĐS&PL) Ô nhiễm rác thải nhựa và biến đổi khí hậu là hai mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi Quốc gia. Chính vì vậy, ngay từ lúc này mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia cần có hành động bảo vệ sự sống của chính mình thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt, bao bì bằng nhựa một lần. Đồng thời có đầu tư khoa học công nghệ tái chế, xử lý rác nhựa an toàn, từng bước tái tạo môi trường sống trong lành.

Tiện lợi nhưng rất tai hại

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, hiện có tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Rác thải nhựa tràn ngập ở mọi nơi từ nông thôn đến thành thị

Còn theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra tại hội thảo ngày 5-6. mỗi năm chỉ riêng Việt Nam đã thải ra môi trưởng khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Theo đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm và tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi.

Chúng ta không thể phủ nhận được những "tiện lợi" trước mắt do đồ dùng, dụng cụ, bao bì sinh hoạt bằng nhựa đã mang lại cho cuộc sống con người, nhất là đồ ăn nhanh. Chỉ cần vài cái click chuột hoặc một cuộc điện thoại, thức ăn sẽ nhanh chóng đến nơi và sau đó là lủ khủ hộp nhựa, bịch nhựa, ly nhựa...được dồn vào thùng rác.

Sự phát triển công nghệ, hình thức bán hàng giao tận nơi ngày càng phổ biến. Kèm theo đó là sự gia tăng rác thải nhựa. Dần dần đã hình thành thói quen sử dụng bao bì nhựa một lần trong sinh hoạt của cộng đồng rất khó thay đổi ngược lại.

Theo các chuyên gia, có khoảng 40% các sản phẩm nhựa được sử dụng làm bao bì đóng gói và phần lớn số đó chỉ được sử dụng một lần rồi vứt đi. Chỉ dưới 1/5 tổng lượng nhựa trên thế giới được tái chế, mặc cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang tìm giải pháp để tăng con số này lên. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất nhựa cũng gây rất nhiều tác hại tới môi trường. Từ việc khai thác nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm, sự phát thải của các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cả không khí lẫn đại dương.

Những "tác hại" nhiều mặt và lâu dài của rác thải nhựa đang là một trong những mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của con người. “Ô nhiễm trắng” với túi nilon và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy.

Rác thải nhựa qua các hình ảnh do cộng đồng cung cấp

Kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada đăng trên tạp chí Environmental Science and Technology cho thấy, mỗi một sản phẩm từ nhựa cần từ 20-1.000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Vì thế, một người đàn ông trưởng thành có thể "ăn" tới 52.000 hạt vi nhựa/năm. Cộng thêm tình hình không khí ô nhiễm chúng ta đang thở, con số đó tăng lên là 121.000 hạt, tương đương 320 hạt vi nhựa/ngày...Đây là nguồn gốc sinh ra rất nhiều loại bệnh cho con người, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chung của mỗi gia đình.

Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,… Bên cạnh đó, việc dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Kết quả nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về quản lý rác thải nhựa trên biển nhằm hỗ trợ nghề cá bền vững và an ninh lương thực ở Đông Nam Á tại Nha Trang, Khánh Hoà vào trung tuần tháng 5/2019 cho thấy, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu. Trong đó, 80% rác thải nhựa trên biển là các hoạt động trên đất liền theo các dòng sông, đường thoát tuồn ra biển. Còn lại 20% trong đó cơ bản rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt nuôi trồng hải sản như bỏ ngư cụ, vật phẩm thải ra biển bừa bãi không kiểm soát. Riêng Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.

Số rác thải nhựa nêu trên, đã gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển và môi trường biển. Hình ảnh các rạn san hô bị bao phủ bởi túi nilon, ống hút bị kẹt trong mũi rùa, cá voi hay chim biển chết đói vì ăn nhiều nhựa… Thực sự, vấn đề rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, cần sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Chung tay hành động cứu chính mình

Mới đây, các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – G7 đã đồng ý với cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, đồng ý tăng công suất tái chế nhựa lên 50%, cùng với nhiều bước tích cực khác để giảm tác động của nhựa tới môi trường. Chỉ có hai quốc gia từ chối ký kết là Nhật Bản và Mỹ, ông Trump còn không buồn tham dự buổi thảo luận đó. Cả Nhật và Mỹ đều có các ngành công nghiệp chế tạo nhựa khổng lồ với hàng triệu nhân công và doanh thu khổng lồ.

Mới đây, Anh và Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch cấm ống hút, bông ngoáy tai bằng nhựa và nhựa sử dụng một lần như dao kéo và túi nilon. Ấn Độ cũng đã cam kết cấm sử dụng nhựa một lần vào năm 2022 và Trung Quốc – nhà phát thải ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới – đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này thông qua lệnh cấm nhập khẩu chất thải nhựa. Chile cũng đã ban hành luật cấm túi nilon ngày 6/7 vừa qua. Seattle vừa trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm sử dụng ống hút và dao dĩa nhựa,…Tất cả những động thái trên đều chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thức tỉnh và mau chóng tìm cách giảm thiểu độ nguy hại.

Ở Việt Nam, từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đến các địa phương đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều chương trình hành động phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, và đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tại Lễ ra quân chống rác thải nhựa vào đầu tháng 6/2019, UBND TP. Hà Nội đã kêu gọi và chứng kiến việc ký bộ quy tắc ứng xử chống rác thải nhựa của 41 Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn Thành phố, đồng thời đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu; Ảnh: NQH/chinhphu.vn

Theo đó, TP. Hà Nội đã tập trung triển khai việc tổ chức ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Mục tiêu của TP. Hà Nội phấn đấu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon.

Từ tháng 5/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, không sử dụng túi nilon hay khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy.

TP.Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản số 3873/UBND-MT về việc chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Với tư cách cơ quan quản lý ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi các địa phương, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở địa phương vào cuộc mạnh mẽ, người dân địa phương ủng hộ, thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen dùng túi nilon. Đồng thời khẳng định, đây là phong trào chống rác thải nhựa phải làm bền bỉ, thường xuyên. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ cũng đề ra nhiều giải pháp ngoài truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi thói quen, giải pháp về quản lý bằng các chính sách kinh tế, chính sách thuế trong hạn chế những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần cũng rất quan trọng.

"Cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilon", Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết.

Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Trịnh Nghiên tại Khu 01, Thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định của ông Trịnh Văn Nghiên đã đầu tư hệ thống tái chế nhựa sinh hoạt an toàn, góp phần xử lý rác thải nhựa tồn đọng cho 6 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng.

Trịnh Nghiên trong nhiều năm nay đã từng bước quy chuẩn hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, xử lý tốt nguồn nước, khí thải được các cơ quan thường xuyên kiểm tra, giám sát và ghi nhận. DN luôn có ý thức trong đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, đánh giá tác động môi trường; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước; Tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới; đóng góp cho kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương và làm các công tác từ thiện nhân đạo được nhân dân và chính quyền ghi nhận.

Từ thành công của Công ty cổ phần Trịnh Nghiên trong việc xử lý rác thải nhựa an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và là một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm tác hại của rác thải nhựa tại Việt Nam, mô hình trên cần tiếp tục được nghiên cứu để được nhân rộng tại các địa phương trong cả nước.

Tin nổi bật