"Về quy định bán dâm 4 lần mới cho nghỉ học, khi rà soát để sửa, ban soạn thảo đặc biệt là cá nhân thực hiện có năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đưa lên dẫn đến có ý kiến của xã hội. Khi nhận thông tin, tôi chỉ đạo ngay, báo cáo xử lý nhanh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Ngày 31/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Đánh giá về ngày đầu tiên của phiên chất vấn, nhiều ĐBQH bày tỏ hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đối với vấn đề ĐBQH nêu. Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng bày tỏ chưa thực sự hài lòng và mong muốn, ngày hôm nay và ngày mai, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời sát hơn vào các vấn về mà câu hỏi chất vấn đặt ra, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và không né tránh trách nhiệm.
Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn. |
11h30: Quốc hội nghỉ. Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm về việc sản xuất thuốc giả, kém chất lượng
11h19: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về kiểm soát chất lượng thuốc, thuốc giả, kém chất lượng…
Trong thời gian qua, Bộ đã ban hành thông tư về quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng thuốc, đồng thời cũng đã ban hành các thông tư quy định về các vấn đề xử lý hàng kém chất lượng.
Về vấn đề tiền kiểm cần tăng cường kiểm tra định kỳ, về hậu kiểm tăng cường hệ thống năng lực của các phòng thí nghiệm, nhưng rất khó khăn trong cơ sở vật chất và kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện thuốc kém chất lượng…
Bên cạnh đó, bộ Y tế cũng tăng cường thanh kiểm tra chặt chẽ với các cơ quan ban ngành có liên quan về thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Sắp tới, trong luật kiểm tra những hồ sơ nghi ngờ, có những hồ sơ nghi ngờ phải đến tận nơi thanh kiểm tra.
Đề nghị cơ quan điều tra, phối hợp và phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm những vấn đề này để làm gương. Hạn chế bớt đi một vấn nạn ở Việt Nam ảnh hưởng đến y tế và đạo đức nghề nghiệp….
Số người nghiện thực tế lớn hơn nhiều số hồ sơ
11h14: Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của ĐB về giải pháp giảm tội phạm ma túy.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Tội phạm ma tuý đang là vấn đề đáng lo ngại vì người nghiện tiếp tục gia tăng. Toàn quốc hiện có 224.990 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế con số này lớn hơn nhiều. Công tác lập hồ sơ đối tượng cai nghiện rất khó khăn do quy trình thủ tục đặt ra. Hiện mới có 10% người nghiện được đưa vào cai nghiện tập trung. Người nghiện nhiều cũng là một nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm.
Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào nước ta chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như mong muốn.
Một trong số giải pháp cần triển khai là phối hợp chặt chẽ với các ngành trong quản lý, giám sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư; tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, để giảm nguồn cung ma túy ở trong nước...
11h12: ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Y tế về tình trạng chất lượng của thuốc, tình hình thuốc giả và thuốc kém chất lượng còn tràn lan khiến nhiều người dân lo lắng. Động thái của bộ Y tế trong việc xử lý vấn đề này thế nào? Cơ chế bồi thường cho người dân khi dùng thuốc kém chất lượng ra sao?
Cần cái nhìn toàn diện về ngành giáo dục
11h00: ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) giơ biển tranh luận bày tỏ không đồng tình về "nguồn năng lượng tiêu cực" từ ngành giáo dục đến xã hội mà ĐBQH Minh Hiền đã nhắc đến trước đó khi tranh luận với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng vào đầu giờ sáng. ĐBQH Thanh Xuân cho rằng, cần đánh giá khách quan, toàn diện về ngành Giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đang không ngừng tăng, khả năng hội nhập tốt...
Ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29. Đã là đổi mới sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Cần nhìn nhận toàn diện để không gây tổn thương tới các nhà giáo, tạo ra sự hoài nghi với học sinh và xã hội.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đã chuyển biến “trên nóng, dưới nóng”
10h40: Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế là đầu mối của ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, cùng với những bộ ngành khác đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP và về tổ chức thực tiễn.
Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được thực hiện khá đồng bộ, ngân hàng thế giới đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về VSATTP đã tiếp cận được phương thức quản trị tiên tiến. Có nghĩa là quản lý các dự thảo, dựa vào phân cấp… Khắc phục được những hạn chế trong việc ban hành, sửa đổi một số nghị định liên quan đến VSATTP.
Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị 13 về ATTP, chỉ thị 17 về công tác thanh tra, kiểm tra sai phạm về buôn bán hàng giả, buôn lậu và hàng kém chất lượng của vấn đề ATTP.
Giải pháp, cần sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các Bộ, ngành. Cũng đã phân cấp rất nhiều cho địa phương, dưới chỉ thị của Thủ tướng đã có sự chuyển biến, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được cải thiện rất rõ rệt. Tình trạng “trên nóng, dưới nóng” đã được địa phương vào cuộc rất quyết liệt.
Tăng cường mạnh mẽ, công tác kiểm tra, thanh tra. Các chuỗi nông sản trong năm 2018 bước tiến xuất khẩu 40 tỷ USD ra bên ngoài.
Minh bạch hơn về nguồn vốn ODA
10h27: Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời về vốn ODA, thủ tục và hiệu quả.
Các ý kiến này đã báo cáo với Quốc hội về quy trình, tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với việc giám sát những bất cập thu hút vốn ODA trong thời gian tới.
Về hệ thống pháp luật hiện nay chúng ta đã có theo quy định hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, còn vấn đề gì đề nghị cho thêm ý kiến.
Về đơn vị tư vấn có vấn đề, chất lượng dự án còn phụ thuộc vào vấn đề về tài chính…
Về công khai, minh bạch hệ thống thông tin, có phương án công khai hơn phương án trong thời gian tới…
Liên quan đến ODA không chỉ có bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn liên quan đến các bộ xung quanh. Chúng tôi sẽ làm việc cùng các Bộ làm sao nhanh hơn, minh bạch hơn…
Còn ý kiến về công nghệ rác đã trình Chính phủ, theo hướng công nghệ trong nước có thì không thu hút vốn ODA nữa.
Lý giải chưa cho thu phí với các dụ án BOT
10h24: Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời các đại biểu về vấn đề chưa cho phép thu phí đối với các dự án BOT.
Chúng tôi thấy rằng các dự án BOT là các dự án hết sức nhạy cảm. Trong thời gian vừa qua, có một số dự án đã hoàn thành nhưng mà chưa đầy đủ thủ tục để thu phí. Một số dự án khác thì cho thu phí một phần, ví dụ như BOT Chợ Mới – Thái Nguyên.
Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu cũng như phương án tài chính và trách nhiệm là bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư BOT. Chúng ta thực hiện dự án này khi chúng ta chưa có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong thời gian vừa qua, bộ GTVT đã xem xét từng trường hợp cụ thể để có giải pháp cho phù hợp với quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ.
Như vậy, với trách nhiệm của mình thì chúng tôi thấy các dự án này đã xong rồi nhưng mà chưa thu phí được theo các phương án hoặc chỉ được thu có một phần. Chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư, với xã hội. Việc này bộ GTVT sẽ báo cáo từng trường hợp cụ thể.
Vừa qua, chúng tôi cũng đã có báo cáo tổng hợp chung gửi Thủ tướng đối với tất cả các dự án BOT.
Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo với các ngành chức năng để có giải pháp hợp lý… để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Chúng tôi nhận trách nhiệm
10h12: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời về trách nhiệm trong vấn đề quản lý thị trường
Trả lời ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu về việc chưa thấy Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm, Bộ trưởng nói: “Trong câu trả lời của tôi về câu trả lời phần chất vấn của ĐBQH Lý Tiết Hạnh, tôi không đề cập đến trách nhiệm bởi vì chúng tôi đang trả lời đến câu chuyện liên quan đến cơ cấu bộ máy tổ chức.
Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không nói đến yêu cầu rất cao đặt ra cho trách nhiệm của người đứng đầu quản lý thị trường cả nước cũng như ở các địa phương.
Tôi khẳng định, trước tiên chúng tôi nhìn nhận trách nhiệm của mình, của ngành, người đứng đầu là Bộ trưởng ngành Công Thương có quản lý lực lượng quản lý thị trường nhưng ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, trong các hoạt động chuyên môn điều hành để cùng phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác trong hoạt động đấu tranh chống gian lận thương mại và đảm bảo hiệu quả của quản lý thị trường.
Trách nhiệm thứ hai là trong việc phối hợp lực lượng quản lý thị trường với những hoạt động trực tiếp của quản lý thị trường tại các địa phương.
Thời gian qua, Bộ rất quan tâm đến vấn đề này và cá nhân tôi cũng vậy. Có những vụ việc xảy ra liên quan đến phẩm chất và năng lực chuyên môn của quản lý thị trường địa phương, theo dõi, phối hợp chính quyền địa phương để phối hợp chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn cũng như xem xét trách nhiệm vi phạm pháp luật.
Quản lý thị trường không chỉ bảo vệ thị trường nội địa,bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với từng địa phương để xây dựng quy chế phối hợp cụ thể.
Thứ hai, phối hợp của lực lượng quản lý thị trường. Có những vụ việc
9h30: Quốc hội nghỉ giải lao
9h25: Nhiều ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn trước khi Quốc hội nghỉ giải lao
ĐBQH Phạm Anh Khoa (Phú Yên) chất vấn đề phòng chống dịch bệnh, thị trường tiêu thụ tôm khiến người dân không yên tâm. Chủ trương và giải pháp của bộ NN&PTNT là gì?
Chất lượng xét xử của tòa án cấp huyện chưa đảm bảo. Giải pháp cho vấn đề này?
ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) hỏi Bộ trưởng Tài chính về dự án BT hầu hết là chỉ định thầu, giải pháp cho vấn đề bất cập từ các dự án này?
ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) hỏi Bộ trưởng Y tế về giải pháp tháp gỡ bất cập trong việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố.
Tin tưởng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy sớm được giải quyết
9h23: Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh
Vấn đề giải quyết ô nhiễm này cần phải có ban chỉ đạo liên ngành, xác định rõ trách nhiệm từng địa phương. Số liệu thống kê nước thải sinh hoạt, làng nghề đã có đầy đủ. Do vậy phải có lộ trình để cắt giảm ô nhiễm.
Không chỉ là trách nhiệm địa phương mà còn liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách để xã hội hóa việc này. Cần xem xét bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước để huy động nguồn xã hội hóa. Tôi tin sẽ giải quyết được bài toán sông Nhuệ, sông Đáy trong thời gian tới.
Thêm nữa, cải tạo đô thị, cảnh quan phải gắn với bảo vệ môi trường và thu gom tập trung hệ thống nước thải này.
Hạn chế việc “giải cứu” nông sản
9h15: Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong 3 năm qua, đã tăng gấp 3 lần số hợp tác xã, số vốn cũng tăng lên. Ví dụ như năm 2018 tăng hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư vào các nhà máy. Điều này tạo sức lan toả, kinh tế nông nghiệp từ tăng trưởng âm đến việc có lãi.
Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói thêm về biện pháp đột phá cho việc đào đạo nghề. Bộ trưởng cho biết, việc đào tạo phải gắn tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao hàng hoá. Thời gian tới, phải chú trọng tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia các khâu đào tạo theo đầu ra để gắn với thị trường; hạn chế tối đa việc “giải cứu” nông sản…
Một trong những biện pháp nữa là từng bước hình thành đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng còn phải bảo đảm kiến thức thị trường, tác phong lao động…
"Tôi thấy chưa hài lòng"
9h02: ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) Chất vấn hỏi Thủ tướng và Chính phủ trách nhiệm, giải pháp gì quyết liệt cho xử lý ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy?
9h00: ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) bày tỏ chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng bộ LĐ,TB&XH. ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng các câu trả lời vẫn loay hoay mà chưa đi vào thực chất công việc. Điều mà bà quan tâm là giải pháp đột phá để ổn định công ăn việc làm cho người lao động trên chính mảnh đất họ sống thì chưa được trả lời một cách thấu đáo. Bà Châu mong muốn phần trả lời của Bộ trưởng sát vấn đề hơn. "Tôi chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng", ĐBQH Tô Thị Bích Châu khẳng định.
Đề nghị Bộ trưởng Công an có thái độ nghiêm khắc với cơ quan điều tra
8h57: ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận với Bộ trưởng bộ Công an, Viện trưởng viện KSNDTC, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư về trả lời hôm qua.
Đối với bộ Công an, tôi rất ủng hộ nhiều vấn đề. Nhưng qua báo cáo tôi thấy rằng, vi phạm của cơ quan điều tra vẫn còn. Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 36%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%... Tôi thấy vấn đề này vẫn còn nghiêm trọng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc với anh em cơ quan điều tra trong vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, đối với đồng chí Viện trưởng viện KSNDTC, vụ Thuận Phong chúng tôi muốn làm rõ vấn đề. Ở đây không phải là chúng ta xử lý doanh nghiệp mà làm sao đó để khởi tố, làm rõ vấn đề này để đảm bảo công bằng cho cả công ty và cả những người nông dân. Đề nghị các đồng chí xem xét.
Đối với đồng chí Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vấn đề ODA, tại kỳ họp thứ 5 tôi đã nêu ra vấn đề xử lý rác thì hiện nay vốn ODA không hiệu quả… Các đồng chí nói đã làm chặt chẽ, vậy thì tại sao sử dụng vốn vẫn không hiệu quả. Đề nghị kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn ODA.
Tin tưởng vào chuyển biến của lực lượng quản lý thị trường
8h32: Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời về vấn đề trách nhiệm quản lý thị trường ở địa phương
Về quản lý thị trường ở địa phương, gian lận thương mại, trong thời gian gần đây, đặc biệt hội nhập thế giới đang rất sâu và rộng thì có những vấn đề rất lớn cần quan tâm… Yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành có liên quan.
Trên thực tế, thời gian qua đã chứng kiến nhiều hoạt động buôn lậu gian lận thương mại hết sức tinh vi giữa trong và ngoài nước, giữa địa phương và khu vực. Vì vậy, việc phối hợp chuyên ngành quản lý, đấu tranh giữa các cơ quan ban ngành cần phải được xem xét.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đang hết sức tinh vi, đòi hỏi sự cập nhật của các cơ quan ban ngành…
Để đảm bảo, khắc phục những tồn tại, bất cập của mô hình chưa hoàn thiện dự kiến xây dựng quy chế phối hợp công tác, phối hợp chặt chẽ đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, đồng thời phối hợp hoàn thiện đổi mới các phương thức quản lý thị trường theo phương thức số hóa công nghệ thông tin trên toàn hệ thống, tin rằng quản lý thị trường tới đây sẽ có điều kiện hoàn thiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa
8h21: Bộ trưởng bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời ĐBQH về những giải pháp để bảo vệ di tích lịch sử gắn với du lịch.
Thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế với nhiều nguyên nhân… Đối với lĩnh vực bảo tồn di sản đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tăng cường nguồn lực đầu tư để phát huy, phát triển văn hóa.
Nâng cao chất lượng xét xử án sơ thẩm
8h13: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời về việc khởi kiện các vụ án hành chính, đặc biệt liên quan đến đất đai.
Số lượng án hành chính tăng theo các năm, chủ yếu liên quan đến đất đai… Tồn đọng vụ án hành chính rất nhiều, thời gian giải quyết các vụ án kéo dài. Nguyên nhân được xác định nhiều nhất là sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia vụ án hành chính, nên vụ án phải hoãn. Khi xử vắng mặt có những bất lợi cho chính quyền thì lại kháng cáo, kháng nghị nên mất nhiều thời gian.
Về giải pháp, với tòa án, cần sắp xếp lại tòa chuyên trách, đề cao trách nhiệm của thẩm phán…
Về phía các cơ quan, các cấp ủy ban, đề nghị chấp hành nghiêm quy định của luật, của Thủ tướng chính phủ. Khi bản án có hiệu lực phải thi hành cho nghiêm túc.
Về Quốc hội, đã đến lúc cần phải tổng kết lại luật hành chính, nếu không hợp lý cần xem xét, sửa chữa.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về quy trình xét xử chậm. Theo quy định của luật, chúng ta tiến hành 2 cấp xét xử, mặc dù vậy đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều. Kết quả giải quyết đơn rất cao nhưng chúng ta luôn cũng giành thời gian để giải quyết đơn này.
Việc kéo dài, lên đến giám đốc thẩm thì mất rất nhiều thời gian, đây cũng là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải kéo dài và thận trọng.
Giải pháp căn cơ là nâng cao chất lượng của khâu xét xử án sơ thẩm, phúc thẩm tránh sảy ra sai sót.
"Tôi không thấy Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm"
8h10: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của ĐBHQ Phạm Thị Minh Hiền:
Về quyền tham gia của trẻ em: Bộ trưởng cho rằng, ý kiến của ĐBQH là rất hợp lý, Bộ có làm nhưng tới đây sẽ làm chặt chẽ hơn để làm sao ý kiến, mong muốn của các em được thể hiện rõ thì tính khả thi của luật sẽ tốt hơn.
Về quy định bán dâm 4 lần mới cho nghỉ học, dự thảo, Bộ trưởng nói: "Chúng tôi đang rà soát các văn bản, trong đó có các thông tư từ nhiều năm gần đây thì có vấn đề này. Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên được quy định từ 2007, đầu năm 2016 lại có thông tư. Như vậy, trên thực tế thông tư này đã có. Khi rà soát, chúng tôi đề nghị tất cả những nội dung không phù hợp sẽ bỏ, hoặc sửa, trong đó có quy định này.
Vấn đề đặt ra là, khi rà soát để sửa, ban soạn thảo đặc biệt là cá nhân thực hiện có năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đưa lên dẫn đến có ý kiến của xã hội.
Khi nhận thông tin, tôi chỉ đạo ngay, báo cáo xử lý nhanh. Quan điểm của tôi, không cần phải đưa vào thông tư này. Nội dung này không đưa vào thông tư nữa".
Nói thêm về nội dung này, Chủ tọa phiên chất vấn là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội. “Quy định nào không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc xã hội phải sửa ngay và rút kinh nghiệm trong một vấn đề như thế lại đưa rộng rãi lên mạng xã hội trong khi chưa bàn.
Quan điểm của Bộ trưởng rất rõ là phải sửa ngay vì quy định không hợp lý. Nhưng đang trong quá trình đó lại đưa lấy ý kiến rộng rãi gây bức xúc trong học sinh, sinh viên, phụ huynh và dư luận xã hội. Đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo khắc phục ngay. Và cũng đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng cũng không bình luận thêm việc này”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Ngay sau đó, ĐBQH Hiền đã dùng quyền tranh luận lại: “Tôi ngoài là một ĐBQH còn là một phụ huynh học sinh. Tôi phụ trách công tác trẻ em và tôi thấy năng lượng tiêu cực của xã hội thời gian vừa qua mà bộ Giáo dục mang đến rất tiêu cực.
Tôi vô cùng lo lắng. Hôm qua tôi có hỏi một câu trong phần chất vấn của mình đó là “vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm” nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc đưa ra dự thảo về thông tư này mà Bộ trưởng lại giao, chuyển trách nhiệm đó cho một cá nhân khác.
Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có những giải pháp để lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.
Tôi rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có những giải pháp tích cực hơn cho ngành Giáo dục sắp tới”.
Trước đó, cuối giờ chiều 30/10, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ 2 vấn đề.
“Câu hỏi thứ nhất, luật Trẻ em năm 2016 đã quy định cụ thể về quyền tham gia của trẻ em trong những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong quá trình soạn thảo luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp, tham vấn ý kiến trực tiếp của trẻ em học sinh hay chưa?”.
Câu hỏi thứ hai, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đề cập đến dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ vừa cho lấy ý kiến rộng rãi rồi lại rút lại, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
“Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai.
Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?”.
Sửa luật về đất đai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
8h05: Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:
Trả lời quan tâm của ĐBQH về vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi tổng kết cuối 2019, chúng tôi sẽ đề ra chương trình mới, tìm những điều chưa hợp lý để đảm bảo phân bổ nguồn lực cho hợp lý.
Tới đây, sửa luật về đất đai sẽ bàn kỹ hơn, tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp.