Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quảng Ninh: Xã Tắc, ngôi đền cổ bên dòng sông Ka Long

(DS&PL) -

Trong kho tàng di sản văn hóa của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), trải qua các thời kỳ, đền Xã Tắc là một trong những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt...

Trong kho tàng di sản văn hóa của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), trải qua các thời kỳ, đền Xã Tắc là một trong những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương.

Móng Cái là mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc, nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ S. Với vị thế đặc biệt quan trọng, thành phố Móng Cái được Trung ương xác định là Thành phố biên giới Cửa khẩu Quốc tế, có vị trí chiến lược trong khu vực “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là trung tâm kinh tế động lực của vùng kinh tế Bắc bộ.

Vượt qua hàng trăm cây số, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất vùng biên giới Việt – Trung, nơi tiếp giáp cửa khẩu quốc tế Móng Cái, có dòng sông Ka Long êm đềm chảy qua. Thành phố Móng Cái, là một trong 4 thành phố của tỉnh Quảng Ninh có vị trí rất đặc biệt, giáp biển, sở hữu cả biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Nếu đã nghe về Móng Cái là trung tâm thương mại bậc nhất phía Bắc, đừng vội mặc định đến đây chỉ để mua sắm, mà thành phố trẻ này còn nhiều điều thú vị khác để khám phá.

Vùng đất này còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với hàng loạt hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố, được coi là  những “Cột mốc văn hóa” trường tồn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, là nhân tố cơ bản, góp phần phát triển ngành du lịch thành phố theo hướng bền vững.

Ngay tại trung tâm thành phố, tọa lạc bên dòng sông Ka Long yên bình, tiếp giáp giữa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đó là ngôi Đền Xã Tắc, một ngôi đền đã vượt qua tính chất thông thường của một ngôi đền gắn với làng xã, địa phương. Đền Xã Tắc vừa là sự khẳng định về sự độc lập văn hóa tinh thần, vừa là một cột mốc linh thiêng trấn giữ bờ cõi, lặng thầm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Di tích đã và đang đảm đương vai trò là một cột mốc văn hóa quan trọng, góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nơi địa đầu tổ quốc.     

Theo các bậc trưởng lão trông coi đền Xã Tắc cho biết, thì sử sách có ghi chép lại là “Căn cứ vào tài liệu văn khắc trên bia đá và bài vị đá được lưu tại đền Xã Tắc thì đền Xã Tắc thờ Bản cảnh Thành Hoàng Xã Tắc Đại Vương, đền đã được trùng tu lớn vào năm Kỷ Mão (1879). Như vậy, có thể khẳng định rằng đền Xã Tắc đã được xây dựng vào thời gian trước đó, ít nhất là đến thế kỉ XIX tại Phủ Hải Ninh (thành phố Móng Cái ngày nay) đã tồn tại đền Xã Tắc”


Trải qua các giai đoạn lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp và được nhân dân di chuyển vào phía trong xoáy nguồn, sát dòng sông Ka Long, nơi giáp ranh giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và tôn tạo lại với quy mô nhỏ.

Năm 2009, được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố Móng Cái đã phối hợp với Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Xã Tắc. Trải qua 12 năm liên tục được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn lực xã hội hóa từ tấm lòng của nhân dân, du khách thập phương trên mọi miền Tổ quốc, đến năm 2018, di tích đền Xã Tắc đã được hoàn thành với các hạng mục công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc của nền văn hóa Việt như: Chính điện, nghi môn nội, nghi môn ngoại, lầu chuông, gác trống, nhà tả vu, hữu vu, am Sơn thần, am hóa vàng và một số công trình phụ trợ khác…

Bên cạnh đó, tại đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được các văn bia, bài vị cổ là căn cứ lịch sử khẳng định giá trị của di tích đền Xã Tắc. Từ năm 2005, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích cấp tỉnh, năm 2014 di tích được UBND tỉnh công nhận là điểm tham quan du lịch của Thành phố Móng Cái.

Theo lãnh đạo thành phố Móng Cái cho biết. Năm 2018, nhằm khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Xã Tắc. Đồng thời, tập hợp các tư liệu để làm căn cứ triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia di tích đền Xã Tắc và tổ chức lễ hội đền Xã Tắc, UBND thành phố Móng Cái tổ chức Hội thảo khoa học “Về bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh”.

Tại hội thảo, qua ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa  cùng các đại biểu là nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ đã khẳng định: Đền Xã Tắc là một di tích có thật trong lịch sử, thần Xã, thần Tắc là hai vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ thần tại đây. Tín ngưỡng thờ thần Xã Tắc, đền thờ thần Xã Tắc và lễ tế Xã Tắc cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng cư dân địa phương.

Cũng trong năm 2018, lãnh đạo thành phố cho biết. Dựa trên nguyện vọng của đông đảo nhân dân và của chính quyền địa phương, thành phố Móng Cái đã triển khai sưu tầm các tư liệu để xây dựng kịch bản tổ chức lễ tế Xã Tắc và nâng tầm tổ chức trở thành lễ hội đền Xã Tắc từ năm 2019.

Sự kiện này đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh ghi nhận và đánh giá cao về cả quy mô và chất lượng tổ chức với nhiều hoạt động nghi lễ, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương. Việc tổ chức lễ hội đền Xã Tắc đã đáp ứng được mong mỏi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, thu hút được đông đảo du khách về tham dự và từng bước xây dựng một sản phẩm du lịch mới của thành phố Móng Cái.

Cùng với quá trình tu bổ, tôn tạo, di tích đền Xã Tắc đã phát huy được giá trị trong việc trở thành một  điểm du lịch được du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn để tham quan, chiêm bái. Hàng năm, di tích đón trên 100.000 lượt khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, Đền Xã Tắc cũng đã vinh dự nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh về thăm và tham gia các hoạt động tại di tích.

Để góp phần tôn vinh những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của di tích đền Xã Tắc. UBND thành phố Móng Cái đã chủ trì, phối hợp với Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh tập hợp các căn cứ khoa học, lịch sử để thỏa thuận chủ trương và lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với đền Xã Tắc. Và sau gần 01 năm triển khai và được Hội đồng thẩm định các cấp phê duyệt, ngày 04/11/2020 Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3238/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích cấp Quốc gia di tích đền Xã Tắc.

Được biết, trong thời gian tới, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Xã Tắc gắn với xây dựng di tích trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để mỗi người dân trong việc tích cực tham gia bảo tồn, phát huy, làm phong phú thêm giá trị của di sản, để di tích đền Xã Tắc luôn xứng tầm là di tích Quốc gia, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Xuân Khiển

Tin nổi bật