(ĐSPL) - Tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan vừa công bố một hiến pháp tạm thời cho phép quân đội giữ lại nhiều quyền hành rộng rãi.
|
Quốc vương Thái Lan đã chính thức chấp thuận hiến pháp tạm thời trong một buổi lễ với Tướng Prayuth Chan-ocha (trong ảnh). |
Hiến pháp tạm thời của Thái Lan sẽ hợp thức hóa cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5 và có trên thực tế sẽ dành quyền tối thượng cho tập đoàn cầm quân nhân trong các lãnh vực chính trị và tư pháp.
Lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính cách đây 2 tháng, quân đội Thái Lan sẽ đích thân chọn một cơ quan lập pháp 220 thành viên thay thế Hạ viện và Thượng viện, và cơ quan này sau đó sẽ chọn ra một thủ tướng và nội các.
Các thành viên của cơ quan lập pháp mới được thành lập phải trên 40 tuổi và chưa hề bị bãi chức vì “tham nhũng, gian lận hay có hành vi sai trái”.
Hôm 22/7, Quốc vương Thái Lan đã chính thức chấp thuận hiến pháp tạm thời trong một buổi lễ với Tướng Prayuth Chan-ocha. Việc này đem lại thêm tính chính đáng cho cuộc đảo chính qua việc chấp thuận những luật lệ mới do quân đội soạn thảo.
Trong những tháng tới đây, cơ quan lập pháp tạm thời của tập đoàn cầm quyền dự trù sẽ chọn ra một ủy ban soạn thảo một bản hiến pháp mới, văn bản này sẽ được đệ trình lên ủy ban cải cách mới để thông qua.
Trong khi đó, có nhiều đồn đoán là Tướng Prayuth sẽ được bầu làm thủ tướng.
Kế hoạch cải cách của tập đoàn quân sự cầm quyền phần lớn đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình ở Bangkok đã chiếm đóng nhiều nơi ở thủ đô trong nhiều tháng với cố gắng lật đổ thủ tướng lúc đó là bà Yingluck Shinawatra. Những người đứng đầu các cuộc biểu tình đã đòi có một ủy ban được bầu ra để cai quản đất nước và thực thi các cải cách chính trị sâu rộng, trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Phát biểu với đài VOA qua Skype, một thành viên của tổ chức Sinh viên Thái đấu tranh cho Dân chủ, nói rằng nhóm hoạt động bí mật của ông sẽ không đầu hàng trước các sắc lệnh phản dân chủ của tập đoàn cầm quyền.
Tự xưng là “Rick Lee,” sinh viên đại học ở Bangkok này mô tả hiến pháp mới là được áp đặt bởi một “hệ thống các nhà độc tài.”
“Tập đoàn quân nhân cầm quyền mới nhất này vẫn còn duy trì của hiến pháp và tự do. Nhưng ngay lúc này, giá trị của hệ thống kiểm tra và cân đối theo đúng hiến pháp, cùng các quyền tự do đã không còn nữa. Thực là vô lý khi họ làm như thế này bởi vì nó có nghĩa là chúng ta trở lại tình trạng giống như ở Myanmar dưới sự cai trị của quân đội. Đây là một bước thụt lùi khổng lồ cho sự phát triển dân chủ ở Thái Lan”.
Tập đoàn cầm quyền, với danh xưng chính thức là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, lập luận rằng hiến pháp tạm thời “sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng và đưa tình hình trở lại bình thường, khôi phục an ninh, đoàn kết và giải quyết các vấn đề kinh tế”.
Hội đồng cải cách sẽ phác thảo “các quy định chính trị để ngăn chặn và trấn át tham nhũng và điều tra những vụ lạm dụng quyền thế của nhà nước trước khi giao phó sứ mạng cho chính phủ và những người đại diện mới.”
Kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932, Thái Lan đã trải qua những vụ quân đội lật đổ chính quyền dân sự thường xuyên. Các tướng lĩnh hoặc quyết định tư pháp đã lật đổ 3 chính phủ kể từ năm 2006.
Các đảng phái được nhà tỷ phú Thaksin Shinawatra hậu thuẫn đã thắng 5 cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Thái Lan. Ông Thaksin bị lật đổ khỏi chức thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006.
Các giới chức trong tập đoàn cầm quyền nói họ muốn bảo đảm rằng chính sự Thái Lan vĩnh viễn thoát khỏi ảnh hưởng của ông Thaksin. Ông này đã bị một hội đồng do quân đội chỉ định cáo buộc về tội tham nhũng và có thể bị tù nếu ông trở về Thái Lan sau khi tự ý sống lưu vong.
Người em gái của ông, bà Yingluck Shinawatra, bị buộc rời khỏi chức thủ tướng trong năm nay sau 6 tháng biểu tình phản đối ở Bangkok.
Sau khi bà Yingluck bị lật đổ, Tướng Prayuth đã công bố thiết quân luật và đích thân lên nắm toàn quyền.