Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quan chức NATO bất ngờ "tạt nước lạnh" vào hy vọng gia nhập khối của Ukraine

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy có sự đồng thuận cần thiết giữa 32 thành viên NATO để đưa ra quyết định đồng ý cho Ukraine gia nhập khối.

Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao cho biết, NATO khó có thể đáp ứng lời kêu gọi của Ukraine về việc gia nhập khối này. Thông tin được đưa ra đã làm tiêu tan hy vọng của Kiev khi quốc gia này đang phải vật lộn trên các mặt trận trong cuộc xung đột với Nga và “nín thở” chờ thời khắc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Trong một lá thư gửi cho những người đồng cấp NATO trước cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cho biết việc NATO gửi lời mời Ukraine gia nhập khối sẽ giúp phá tan một trong những lập luận chính của Nga khi phát động chiến dịch quân sự, cụ thể là ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh.

Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy có sự đồng thuận cần thiết giữa 32 thành viên NATO để đưa ra quyết định như vậy tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ở Brussels.

"Sẽ mất nhiều tuần và nhiều tháng để đạt được sự đồng thuận", một nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh minh họa

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cuộc họp tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để nước này có thể ở vị thế mạnh nhất có thể vào năm tới, "tiến tới các cuộc đàm phán có thể xảy ra".

"Cách tốt nhất để thực hiện điều đó là tăng cường tiền bạc, đạn dược và huy động quân đội", một quan chức giấu tên cho hay.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã công bố gói vũ khí mới trị giá 725 triệu USD cho Ukraine.

Ukraine coi tư cách thành viên NATO là sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh tương lai của quốc gia này. Theo Điều 5 Hiệp ước phòng thủ chung của NATO, các thành viên đồng ý coi một cuộc tấn công vào một thành viên trong khối là tấn công vào tất cả các thành viên và sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

Mới đây, ngày 29/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sky News rằng việc đưa lãnh thổ hiện do chính phủ Ukraine kiểm soát "dưới sự bảo trợ của NATO" sẽ ngăn chặn "giai đoạn nóng" của cuộc chiến.

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra khi Ukraine đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt trên chiến trường, với quân đội Moscow tiến về phía đông và các cuộc không kích của Nga nhằm vào mạng lưới năng lượng đang gặp trục trặc của nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty

Trong khi NATO từng tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập khối và con đường gia nhập NATO của nước này là "không thể đảo ngược", thì NATO vẫn chưa đưa ra lời mời hoặc đưa ra mốc thời gian cho việc gia nhập.

Bất cứ quyết định nào đều phụ thuộc vào cường quốc chiếm ưu thế của NATO đó chính là Mỹ, vì vậy đây sẽ là vấn đề ông Donald Trump phải giải quyết khi trở lại làm Tổng thống Mỹ vào tháng tới.

Ukraine cũng là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong những tuần gần đây giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người kế nhiệm Mike Waltz nhưng mức độ liên kết giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và sắp nhậm chức hiện chưa rõ ràng.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Kiev và tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh trong 24h nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách giải quyết xung đột.

Một số thành viên NATO, đơn cử như Hungary đã công khai lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập liên minh. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết, một số quốc gia khác cũng đã ra tín hiệu cho rằng thời điểm này chưa thích hợp, chẳng hạn như Mỹ và Đức.

Tin nổi bật