Hãng thông tấn ISNA của Iran ngày 27/3 dẫn lời ông Kamal Kharrazi - cố vấn của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei - khẳng định nước này vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại và sẵn sàng tiến hành đàm phán gián tiếp với Washington.
Theo ông Kharrazi, các cuộc đàm phán gián tiếp sẽ là cơ hội để hai bên làm rõ lập trường và đánh giá quan điểm của nhau, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp.
Ngoại trưởng nước này Abbas Araghchi cũng cho biết, phản hồi của Iran đối với lá thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được “gửi đi một cách phù hợp thông qua Oman”.
“Chính sách của chúng tôi vẫn là không tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp khi phải chịu áp lực tối đa và các mối đe dọa quân sự, tuy nhiên, giống như trong quá khứ, các cuộc đàm phán gián tiếp có thể tiếp tục”, IRNA trích lời ông Araghchi.
Ông Kamal Kharrazi - cố vấn của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Ảnh: Getty
Kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp đặt lại các lệnh trừng phạt toàn diện, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố rằng Iran đã tích lũy đủ vật liệu phân hạch để chế tạo nhiều quả bom hạt nhân, nhưng Tehran khẳng định họ không cố tạo ra vũ khí hạt nhân. Iran tuyên bố chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn phục vụ mục đích năng lượng dân sự.
Từ khi quay lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, ông Donald Trump đã tái khởi động chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên Iran, trong đó có 4 vòng trừng phạt riêng biệt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ - nguồn thu chủ lực của Tehran.
Gần đây, ông Donald Trump đã đề xuất một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran nhằm tránh leo thang quân sự. Tuy nhiên, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei đã bác bỏ đề xuất này, cho rằng việc đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ khiến sức ép với Iran gia tăng hơn nữa.
Bức thư của Tổng thống Mỹ đã được Anwar Gargash, một nhà ngoại giao cấp cao của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, trao cho các quan chức Iran khi ông đến thăm Tehran vào ngày 12/3. Nội dung bức thư hiện vẫn chưa được công bố.
Lệnh trừng phạt kinh tế trở thành trở ngại chính trong quan hệ Mỹ - Iran. Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, hệ thống ngân hàng và ngành công nghiệp quân sự của Iran nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế, buộc Tehran phải tuân thủ các hạn chế về hạt nhân.
Thực tế, lệnh trừng phạt đã dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Iran, nhưng vẫn không thể khiến quốc gia Hồi giáo ngồi vào bàn đàm phán. Thay vào đó, Iran vẫn tiếp tục các hoạt động hạt nhân bao gồm làm giàu uranium và phát triển tên lửa. Việc tái áp đặt chính sách "gây sức ép tối đa" của Tổng thống Mỹ Trump được cho sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ khiến Tehran có hành động quân sự.