Đưa hình của bộ phận sinh dục nam, nữ lên website để cảnh báo về bệnh phụ khoa, nam khoa, không được cấp phép nhưng vẫn quảng cáo thái quá cho việc nạo, phá thai và các bệnh xã hội… Đây chính là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức sai lệch về sức khỏe sinh sản vị thành niên của giới trẻ.
Hình ảnh quảng cáo dung tục và phản cảm
Trong mục khám nam khoa, phụ khoa trên website của Phòng khám đa khoa Đại Đông (PKĐK Đại Đông), Q.Tân Bình, TP.HCM đăng tải nhiều nội dung như: “hình ảnh màng trinh thật của con gái như thế nào”, “màng trinh nằm ở đâu”, “màng trinh có dễ rách không”, “nhận biết màng trinh chưa rách và đã rách”… kèm theo là các hình ảnh với nhiều chú thích rất phản cảm, dung tục.
Ngoài ra, để quảng cáo cho các bệnh nam khoa, PKĐK Đại Đông cũng đưa luôn hình ảnh dương vật lên để minh họa cho nội dung “khi dương vật bị chảy mủ là bệnh gì?”
Hình ảnh dung tục, phản cảm đăng tải trên website của PKĐK Đại Đông |
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, trên website của phòng PKĐK Đại Đông không chỉ chứa hình ảnh dung tục, phản cảm mà còn có những thông tin, tư vấn quảng cáo thổi phồng sự thật các dịch vụ giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn cho chị em phụ nữ về nạo phá thai như: “Phá thai an toàn không đau”, “Cách phá thai 19 tuần tuổi an toàn và không đau”…
Ông Nguyễn Văn Châu (ngụ quận 2) cho rằng: “Nếu là phòng khám uy tín, chất lượng thì sẽ không thực hiện chiêu trò đưa các hình ảnh dung tục, phản cảm lên website với mục đích thu hút lượt truy cập, vì tâm lý số đông là tò mò”.
Bà Đỗ Thị Nương (ngụ quận Gò Vấp) thì ái ngại nói: “Là phụ nữ đã có gia đình, khi nhìn hình cận cảnh bộ phận sinh dục trên website của PKĐK Đại Đông tôi cảm thấy quá phản cảm,g rất dung tục huống chi giới trẻ. Đâu nhất thiết quảng cáo hay giới thiệu về chữa bệnh tại bộ phận nào trên cơ thể thì phải đưa nguyên hình ảnh của bộ phận đó lên thì người đọc mới hiểu. Nguy hiểm hơn nữa là việc quảng cáo nạo phá thai quá dễ dàng, sẽ tác động đến tư tưởng của giới trẻ về việc nạo, phá thai chỉ là chuyện nhỏ”.
Đăng tải những hình ảnh dung tục, tư vấn, quảng cáo thổi phồng sự thật các thông tin liên quan đến sức khỏe nhằm bán các “dịch vụ” trên website của PKĐK Đại Đông đang gây ra những suy nghĩ không tốt, không lành mạnh, ảnh hưởng đến tư tưởng của giới trẻ về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong xã hội.
Không được cấp phép nhưng vẫn quảng cáo
Ngày 16/8, trong buổi làm việc với phóng viên báo ĐS&PL, bà Trần Thị My – đại diện PKĐK Đại Đông thừa nhận: “Do phòng khám thuê một đơn vị quảng cáo để đưa thông tin về các dịch vụ khám chữa bệnh lên website, nên đôi khi đơn vị quảng cáo đưa thông tin “quá lên” để thu hút người bệnh. Chúng tôi chưa kiểm soát hết các nội dung và hình ảnh mà đơn vị quảng cáo đó đăng tải”.
Không được xác nhận quảng cáo nạo phá thai nhưng PKĐK Đại Đông vẫn quảng cáo thái quá về nạo phá thai |
Cũng tại buổi làm việc, bà My cho biết thêm, phòng khám được phép thực hiện và quảng cáo nạo phá thai chỉ tới 7 tuần tuổi. Tuy nhiên, căn cứ vào Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 04/2016/XNQC-SYTHCM, do Sở Y tế TP.HCM cấp ngày 28/6/2016 cho đơn vị là PKĐK Đại Đông, không xác nhận nội dung quảng cáo nạo phá thai tại đơn vị này. Nhưng trên website của PKĐK Đại Đông lại quảng cáo nạo, phá thai “an toàn, hiệu quả, không đau, nhanh chóng” lên đến 19 tuần tuổi và phá thai ở tuần tuổi lớn hơn bằng phương pháp Kovax.
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay quảng cáo nạo phá thai tràn lan trên các trang mạng xã hội như con dao hai lưỡi, gây nhiều hệ lụy cho giới trẻ. Nhiều PKĐK quảng cáo chỉ dẫn việc nạo hút thai quá dễ dàng, chỉ cần một viên thuốc đã đẩy thai ra ngoài, chấm dứt thai kỳ, không gây đau đớn… Điều đó cũng chính là tác nhân khiến giới trẻ ngày nay lầm hiểu: Nếu lỡ quan hệ tình dục không lành mạnh mà dẫn đến có thai thì chỉ cần một viên thuốc là “giải quyết” xong. Việc quảng cáo thái quá trên website của các PKĐK sẽ gây tác hại lớn đến tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.
Luật sư Trần Công Ly Tao – Đoàn Luật sư TP.HCM thì cho rằng, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh có những cách thức, chiêu trò quảng cáo những hình ảnh phản cảm, dung tục để tạo sự chú ý cho khách hàng đối với các dịch vụ, sản phẩm mình đưa ra. Thậm chí quảng cáo lộ liễu những hình ảnh khoe thân nóng bỏng, khoe bộ phận nhạy cảm... Nhưng đó là những hành vi quảng cáo sai trái, không lành mạnh, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức của xã hội.
Đặc biệt, trên website của phòng khám quảng cáo dùng hình ảnh bộ phận sinh dục nam, nữ để nói về bệnh phụ khoa, nam khoa nhằm giới thiệu dịch vụ khám chữa bệnh là quá phản cảm. Đây chỉ là cách đánh vào tâm lý tò mò của nhiều người, nhằm thu hút lượng truy cập vào website của phòng khám.
Trên thực tế, pháp luật có những quy định mang tính chất bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia vào hoạt động quảng cáo. Tại khoản 3, Điều 8 - Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó quy định nghiêm cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Theo kế hoạch 1589/KH-SYT của Sở y tế TPHCM về những hoạt động đánh giá lại chất lượng khám, chữa bệnh đối với các phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM năm 2018, có nhấn mạnh việc thực hiện tiêu chí thứ 13 về thông tin quảng cáo truyền thông của PKĐK. Yêu cầu các PKĐK cần chấn chỉnh những vi phạm trong quảng cáo truyền thông như: thực hiện quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được sở y tế xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; Quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn mà phòng khám được phép thực hiện... |
Nhóm phóng viên thực hiện