Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phong tục ăn Tết truyền thống của người Nhật Bản

(DS&PL) -

Tuy Nhật Bản đã ăn Tết theo Lịch Dương từ lâu, nhưng người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống cùng những phong tục đặc sắc của riêng mình.

Tuy Nhật Bản đã ăn Tết theo Lịch Dương từ lâu, nhưng người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống cùng những phong tục đặc sắc của riêng mình.

Ngoài một số nước như Thái Lan, Lào, Campuchia đón năm mới theo Phật Lịch, đa phần các nước châu Á đều ăn mừng năm mới theo Lịch Âm. Tuy nhiên vẫn có quốc gia khác với phần đông còn lại, mừng năm mới theo Lịch Dương như các nước phương Tây, đó chính là Nhật Bản.

Trên thực tế, cho đến ngày 31/12/1872 Dương Lịch (ngày 2/12 năm Minh Trị thứ 5) người Nhật vẫn ăn mừng năm mới bằng ngày Tết cổ truyền theo Lịch Âm. Thế nhưng sau đó, ngày 3/12 năm Minh Trị thứ 5 đã được sửa thành ngày 1/1 năm Minh Trị thứ 6 để bắt đầu tính theo ngày 1/1/1873 Dương Lịch.

Sắc lệnh của Nhật Hoàng ký năm 1872 nói rõ: "Lịch người dân Nhật Bản sử dụng suốt 1.200 năm qua là không có cơ sở thực tế, cản trở sự phát triển tri thức nhân loại, cần phải xoá bỏ và sẽ áp dụng lịch phương Tây từ nay cho đến mai sau".

Tuy nhiên, thực tế việc thay đổi lịch sử này hoàn toàn vì tính thời thế.

Vào thế kỷ 19, Nhật Bản đã phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như họ đã ký các hiệp ước không có lợi với Mỹ (ví dụ như Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại Nhật Bản - Hoa Kỳ 1858).

Ngoài ra, tình hình thế giới lúc đó các nước phương Tây phát triển hùng mạnh hơn châu Á rất nhiều và luôn có ý định đô hộ các nước nhỏ. Để tránh bị đô hộ, Giới lãnh đạo Nhật đã đặt vấn đề là làm sao đuổi kịp Phương Tây và đứng trong hàng ngũ các cường quốc trên thế giới, đồng thời có thể thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.

Chính vì vậy việc sửa đổi các điều khoản khớp với nhau khi thực hiện là điều cần thiết lúc này. Do đó việc thay đổi Lịch Âm sang Lịch Dương như một trong những nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đó.

Ngoài ra, nhờ việc thay đổi này mà chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc trả lương tháng 13 cho công chức đồng thời giảm bới số ngày nghỉ góp phần tăng sản lượng quốc gia.

Mặc dù đã đón năm mới theo lịch của phương Tây, nhưng Nhật Bản vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thồng ngày Tết.

Theo quan niệm của người dân Nhật Bản, năm mới được tổ chức để chào đón vị thần mang tên Toshigami-sama. Vị thần sẽ ghé thăm từng nhà và mang đến nhiều may mắn, sức khỏe cho năm mới.

Vì vậy vào những ngày giáp Tết, người dân Nhật Bản sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm những món đồ mới và trang trí nhà cửa để đón năm mới bằng những vật dụng truyền thống. Đặc biệt, mỗi nhà đều đặt kadomatsu trước cửa vì theo tín ngưỡng thần Toshigami-sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây này.

Kadomatsu bao gồm: 3 ống tre tươi cắt vát chéo được buộc với những cành thông. Đáng chú ý là người Nhật kiêng kỵ trang trí Kadomatsu vào ngày 29 và tối giao thừa vì cho rằng đây là điều không nên và không may mắn.

Ngoài ra trên khung cửa, người Nhật treo những món đồ để gửi gắm niềm mong ước những điều may mắn, tốt lành, chẳng hạn như dải giấy trăng để xua đuổi ma quỷ, quả quýt mong cầu thịnh vượng, thừng bện bằng cỏ với ước muốn tài lộc, đồ đan bằng lá màu trắng tượng trưng cho sự trinh bạch, ngay thẳng…

Năm mới của người Nhật phần lớn là dành cho gia đình, sự yên tĩnh và trang trọng. Khoảng thời gian giao thừa sẽ là lúc cả nhà quây quần bên nhau và cùng ăn tối với món mì soba.

Đại diện cho món ăn ngày Tết ở Nhật Bản không thể không nhắc đến Osechi. Đặc điểm của Osechi là các món ăn mang ý nghĩa phúc lành, đặt trong các khay xếp chồng lên nhau. Mỗi loại thực phẩm sẽ có một ý nghĩa khác nhau. Ví dụ khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh xua đuổi điều xấu, cà rốt thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Hoạt động truyền thống vào đêm giao thừa không thể thiếu của người Nhật chính là đến thăm các đền thờ vào nửa đêm, xếp hàng cầu nguyện tại sảnh chính, mua bùa may mắn và bình an cho năm mới.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các đền thờ sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa rằng điều này sẽ giúp con người từ bỏ được 108 dục vọng trần gian.

Cũng như các nước châu á khác, năm mới là dịp kính nhớ ông bà, tổ tiên, và các vị thần. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma, hoa quả lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và mong được các thần linh phù hộ.

Bản chất việc thờ cúng tổ tiên là nhắn nhủ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân, tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế. Đây là một lễ vô cùng quan trọng, để tưởng nhớ. thể hiện lòng thành kính, đạo hiếu với người đã khuất.

Cũng giống như ở Việt Nam hay Trung Quốc, người Nhật cũng có phong tục lì xì cho trẻ nhỏ vào dịp năm mới, thể hiện cách họ trân trọng những nỗ lực của trẻ nhỏ trong suốt một năm học, đồng thời bày tỏ sự động viên, khích lệ tinh thần của ông, bà, cha mẹ và người thân trong gia đình.

Người Nhật còn gọi 3 ngày đầu xuân của tháng giêng là " ba ngày chúc tụng" với mong cầu cả tháng Tết hòa thuận, yên ấm, quan hệ bền chặt, gắn bó. Từ mùng 1 trở đi, người người, nhà nhà sẽ đi chúc tết nhau, bà con xa gần, con cháu sẽ đến thăm và chúc Tết ông bà, cha mẹ. Bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũng gửi cho nhau những lời lúc thành ý, viên mãn.

Thông thường, gia chủ sẽ chuẩn bị một quyển sổ ký tên và bút chì trước cổng nhà, khi khách đến chúc tết sẽ để lại thông tin hoặc cài danh thiếp của mình vào sổ, ngụ ý đã đến đây.

Ngoài ra, những trò chơi dân gian là thứ không thể thiếu trong những ngày Tết của các nước châu Á. Tại Nhật Bản, trò thả diều Takoage khá phổ biến vào dịp năm mới. Những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương. Ngoài ra còn rất nhiều trò chơi truyền thống như đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi,… Đây là hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia và hưởng ứng.

Ngày nay, nhiều người Nhật cảm thấy tiếc nuối với thứ lịch đã khiến họ mất dần bản sắc của mình, khiến họ lao vào một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ của guồng xoay công nghiệp.

Rất nhiều người trung niên và cao tuổi ở Nhật Bản cho biết dù họ đón Tết Dương nhưng vẫn muốn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của cha ông. Vì thế, mỗi lần năm mới đến, nhiều người Nhật vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Tết xa xưa đang dần bị mai một.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật