Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) đã bán 300.000 cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh trong thời gian 20-24/3.
Cụ thể, ông Việt Anh đã bán 300.000 cổ phiếu FRT với lý do nhu cầu tài chính cá nhân. Trước giao dịch, ông Việt Anh đang nắm giữ 515.946 cổ phiếu FRT, tương đương 0,44% vốn điều lệ. Với giá trung bình trong giai đoạn là 65.367 đồng/cp, ước tính ông đã thu về hơn 19,6 tỷ đồng, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 0,18%, tương đương 215.946 cổ phiếu.
Trước đó từ ngày 20/2-14/3, ông Việt Anh cũng đã bán 300.000 cổ phiếu FRT theo hình thức khớp lệnh, giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,69% (tương đương 815.946 cổ phiếu ) xuống còn 0,44%. Với thị giá trung bình trong giai đoạn là gần 72.000 đồng/cp, ước tính ông đã thu về khoảng 21,6 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch.
Sau khi bán 300.000 cổ phiếu, tỷ lệ nắm giữ của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Việt Anh tại FRT là 0.18%.
Năm 2022, FPT Retail ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động.
Xét doanh thu theo chuỗi, FPT Shop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu FPT Long Châu đạt con số ấn tượng 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.
Do ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi từ thị trường cũng như tình hình kinh tế vĩ mô nên kết thúc năm 2022, lợi nhuận lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2021.
Hết năm 2022, chuỗi FPT Shop có 786 cửa hàng - tăng thêm 139 cửa hàng so với đầu năm; FPT Long Châu đạt 937 cửa hàng sau khi đã mở mới 537 nhà thuốc - vượt xa kế hoạch.
Về định hướng kinh doanh, năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh; chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy yếu … Do đó, FPT Retail dự kiến gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục.
Riêng đối với chuỗi FPTShop, FPT Retail sẽ chủ động đưa nhiều chính sách/chương trình khuyến mãi, trợ giá để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với khách hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thu nhập bị ảnh hưởng, do đó biên lợi nhuận gộp của chuỗi dự kiến thấp hơn các năm trước.
Mặc khác, Công ty sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop hiện hữu, cho đến nay số lượng cửa hàng FPTShop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2023, con số này tăng lên 600 cửa hàng.
Đối với các mặt hàng Dược phẩm, mặc dù những mặt hàng thiết yếu nhưng dự báo cũng bị ảnh hưởng do xu hướng khách hàng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Mặc dù vậy, bằng những thành công trong việc vận hành chuỗi Long Châu trong những năm qua, FPT Retail vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số về doanh thu cho mảng này.
Đối với chuỗi Long Châu, năm 2023, Công ty dự kiến mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2023 lên 1.400 đến 1.500 nhà thuốc.
FPT Retail cho biết tiếp tục tập trung để khẳng định vị thế nhà thuốc số 1 về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn. Đưa đến cho khách hàng những lựa chọn tốt nhất với mức giá phù hợp nhất thị trường. Bên cạnh đó, Long Châu sẽ đưa vào các dịch vụ cộng thêm, ứng dụng các công nghệ, chuyển đổi số nhằm đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất về tư vấn, mua sắm, giao hàng … và chăm sóc sức khỏe nói chung.
Ngoài ra, FPT Retail còn tiếp tục đầu tư cho tầm nhìn dài hạn khi triển khai xây dựng kho tổng thứ 2 tại Long An sau khi hoàn tất xây dựng kho thứ nhất tại Mê Linh, Hà Nội vào quý II/2022, tiếp tục đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số cho các chuỗi.
Dựa trên những dự báo và kế hoạch kinh doanh, FPT Retail đặt kế hoạch kinh doanh tổng doanh thu 34.000 tỷ đồng, bằng 113% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận trước thuế dự kiến 240 tỷ đồng, bằng 49% so với thực hiện trong năm 2022.
Vân Anh (T/h)