Fritillaria delavayi (hay bối mẫu) là một loài thực vật có hoa trong họ Liliaceae, thường được tìm thấy trên các sườn núi đá của dãi Himalaya và dãy Hoành Đoạn ở Tây Nam Trung Quốc. Là một loại cây sống lâu năm, cây bối mẫu mất tới 5 năm mới ra hoa một lần duy nhất vào tháng 6.
Sự khác biệt rõ rệt giữa màu sắc của cây tại hai khu vực. Ảnh: NYTimes.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cây bối mẫu đã bắt đầu được con người thu hoạch làm dược liệu từ 2000 năm trước. Phần củ của cây bối mẫu sẽ được nghiền nát để điều chế thành bài thuốc trị hiệu quả chứng cảm lạnh, nôn ra máu và ho, hoặc làm thuốc long đờm, chữa viêm họng, viêm amidan.
Nhu cầu dùng củ cây bối mẫu rất lớn bởi cần tới 3.500 củ để sản xuất một kilogram bột trị giá khoảng 480 USD. Với giá bán ngày một đắt đỏ trên thị trường dược liệu, bối mẫu trở thành mục tiêu hàng đầu của những người chuyên thu hái thảo dược tại Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Và thật bất ngờ khi các nhà khoa học phát hiện loài cây này đã tiến hóa khả năng ngụy trang để đối phó với con người.
Sử dụng máy đo quang phổ - thiết bị đo cường độ ánh sáng ở các bước sóng để xác định màu, họ thống kê màu sắc của của cây ở các khu vực khác nhau, từ đó tìm ra mối tương quan giữa số lượng cây bị thu hái tại một điểm và màu sắc của hoa.
Ở các vùng khó tiếp cận, ít có con người xuất hiện, cây vẫn giữ màu xanh và vàng sáng. Tuy nhiên, ở những nơi cây bị thu hái với số lượng lớn, màu sắc dần trở nên tối hơn.
Các nhà khoa học thậm chí còn tạo ra một trò chơi có tên "Tìm cây", để xem những cây ngụy trang dễ bị tìm thấy đến mức nào. Khi một tình nguyện viên được yêu cầu tìm Fritillaria delavayi giữa đất đá, họ tốn nhiều thời gian để xác định cá thể có màu sắc ít sặc sỡ hơn.
"Đây là một phát hiện thú vị và mang tính đột phá", Matthew Rubin, nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Khoa học Thực vật Danforth (Missouri, Mỹ) - người không tham gia nghiên cứu này, đánh giá.
Nhiều loài thực vật dường như sử dụng biện pháp ngụy trang để lẩn trốn khỏi những động vật ăn cỏ nhưng nghiên cứu mới phát hiện ra rằng loài cây đã phát triển cơ chế tránh né những con người thu gom chúng. Có thể con người đã thúc đẩy sự tiến hóa về khả năng phòng phủ của các loài thực vật.
Tiến sĩ Yang Niu, Viện Thực vật học Côn Minh cho biết: "Giống như các loài thực vật ngụy trang khác mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi nghi ngờ rằng sự tiến hóa ngụy trang của loài thực vật này là do động vật ăn cỏ, nhưng rồi chúng tôi không tìm thấy dấu vết về loài động vật như vậy trong khu vực. Sau đó, chúng tôi nhận ra con người có thể là lý do".
Con người cũng từng ảnh hưởng đến các loài khác. Bà Jill Anderson, nhà sinh vật học tại Đại học Georgia (Mỹ), cho biết một số loại cá, như cá tuyết Đại Tây Dương và cá hồi hồng vốn là mục tiêu đánh bắt của nhiều ngư dân. Khi bị quây vào lưới, những con nhỏ hơn có thể chui ra, trong khi những con lớn hơn kẹt lại. Theo thời gian, kích cỡ của các cá thể trở nên nhỏ hơn.
Tuyết liên hoa (sen tuyết) - một loài thực vật bị đe dọa khác ở Trung Quốc - cũng mọc ngắn hơn khoảng 10 cm so với một thế kỷ trước tại những khu vực thường bị thu hái. Trong thế kỷ qua, sâm Mỹ mọc ở khu vực phía đông nước Mỹ cũng trở nên nhỏ hơn, với lá nhỏ hơn.
Mộc Miên (T/h)