Yonhap News đưa tin ngày 23/11, Triều Tiên cho biết sẽ lập tức khôi phục tất cả các biện pháp quân sự mà đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018. Động thái này diễn ra sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận này sau vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng.
Theo Bộ Quốc phòng Triều Tiên, họ sẽ “không bao giờ bị ràng buộc” bởi thỏa thuận quân sự nói trên nữa, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc phải “trả giá đắt” cho quyết định của mình.
Hình ảnh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải cho thấy Bình Nhưỡng phóng một vệ tinh do thám quân sự, được gọi là Malligyong-1, sử dụng tên lửa đẩy Chollima-1, vào 21/11. Ảnh: Yonhap News
“Chúng tôi sẽ ngay lập tức khôi phục tất cả các biện pháp quân sự đã bị tạm dừng theo thỏa thuận quân sự liên Triều”, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho hay trong một tuyên bố được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ các biện pháp quân sự vốn được thực hiện nhằm ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi khu vực, bao gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn và các khí tài quân sự tiên tiến ở khu vực dọc theo Đường phân giới quân sự”.
Theo thông tin từ Yonhap News, Hàn Quốc đã đình chủ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, sau khi Triều Tiên phóng một vệ tinh quân sự do thám có tên Malligyong-1, trên loại tên lửa Chollima-1 mới vào tối 21/11.
Động thái trên cho phép Seoul ngay lập tức khôi phục các hoạt động trinh sát và giám sát gần biên giới với Bình Nhưỡng. Với lập luận vụ phóng vệ tinh là hành động thực hiện quyền tự vệ “hợp pháp”, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận vì lý do “vô lý và phi logic”.
Được biết, thỏa thuận quân sự liên Triều được ký kết vào 19/9/2018, kêu gọi thiết lập vùng đệm và vùng cấm bay gần biên giới nhằm ngăn nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ vô tình giữa hai bên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên vi phạm thỏa thuận 17 lần tính đến cuối năm 2022, trong đó riêng năm ngoái vi phạm 15 lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã kêu gọi đình chỉ thỏa thuận vì cho rằng thỏa thuận này hạn chế nghiêm trọng khả năng giám sát trên không của quân đội Hàn Quốc.
Đinh Kim (Theo Yonhap News)