Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phận đời chài lưới: Dùng nước ăn từ con sông ô nhiễm

(DS&PL) -

Cuộc sống nghèo khổ đeo bám dai dẳng, nhưng bao đời nay, những người dân làng chài trên dòng sông Bưởi thuộc huyện Thạch Thành, Thanh Hóa vẫn lênh đênh cùng con nước.

Cuộc sống nghèo khổ, cái đói cứ đeo bám dai dẳng, nhưng bao đời nay, những người dân làng chài trên dòng sông Bưởi thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vẫn lênh đênh cùng con nước. Giờ đây, nguồn nước dòng sông Bưởi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng người dân làng chài vẫn mưu sinh trên những “ngôi nhà nổi” bập bênh trước đầu sóng ngọn gió.

Một ngày cuối tháng Ba, chúng tôi ghé thăm những hộ gia đình làm nghề chài lưới ở thôn 5, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Chỉ cách trung tâm thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) chừng 300m, nhưng dường như họ đang tồn tại ở một thế giới khác hẳn.

Ở đó là nơi trú ngụ của những con đò cũ kỹ, vài túp lều nát chênh vênh trên sông của xóm chài với những phận đời nghèo đói, thất học,...

Thấy người lạ đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thọ (58 tuổi) ân cần ra chào đón. Trong khoang thuyền của ông Thọ, lúc này có khoảng vài chục con cá rô phi và một mớ cá đục. Đối với gia đình ông, số cá đánh được ấy cũng là một may mắn trong ngày mưa gió, đem bán cho hàng chợ chừng khoảng 100 nghìn đồng.

Cuộc sống khổ cực lênh đênh của những phận đời trên dòng sông Bưởi.

Theo chia sẻ, vợ chồng ông Thọ cùng 5 người con mưu sinh trên dòng sông Bưởi từ nhiều năm nay. Mặc cho mưa gió, nắng nôi và cả sự ô nhiễm của dòng sông, hàng ngày họ vẫn quăng lưới, thả câu.

Ông Thọ cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên ở dòng sông Bưởi. Từ bao đời nay, cha ông tôi vẫn sống bằng nghề đánh cá, theo thuyền lênh đênh, ăn ngủ. Dường như cuộc sống lam lũ đã gắn vào số phận người dân nơi đây. Người ở trên bờ có nhà, còn dân chài chúng tôi gọi thuyền là nhà. Bất kể mưa to, gió lớn, mái thuyền chính là chỗ che mưa, che nắng”.

Cuộc sống nghèo đói khiến cả gia đình ông Thọ đều mù chữ.

Được biết, cả 5 đứa con của vợ chồng ông Thọ sinh ra, lớn lên trên chiếc thuyền chài và chúng chưa từng một lần được tới trường. Vợ chồng ông mù chữ, nay những đứa con cũng chẳng thể viết nổi cái tên của mình. Ba đứa con gái đầu của ông Thọ vì mù chữ nên chỉ gả cho những người cùng làm nghề chài lưới trên sông.

Còn hai đứa con trai út là Nguyễn Văn Sơn (SN 1999), Nguyễn Văn Dũng (SN 2002) còn nhỏ tuổi, nhưng đã phải xa bố mẹ đi làm phụ hồ kiếm sống.

Bà Nguyễn Thị Lý (SN 1970, vợ ông Thọ) chia sẻ: “Cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới như chúng tôi cái ăn, cái mặc còn chưa lo nổi, lấy đâu ra được đi học. Cả trăm hộ dân sống trên đoạn sông này chẳng có ai biết đến mặt chữ. Giờ con cái lớn lên, chúng nó đi làm công nhân cũng chẳng ai nhận, vì không có bằng cấp nên phải đi phụ hồ”.

Dọc theo dòng sông Bưởi đoạn chảy qua huyện Thạch Thành có hàng trăm hộ dân vạn chài sinh sống. Do đặc thù sông nước và phương thức kiếm sống mà đa phần họ đều là những người ít học, hoặc thất học.

Nằm sát thuyền của gia đình ông Thọ là con thuyền anh Trần Văn Văn (SN 1972). Anh Văn tâm sự, ngày trước cũng chỉ vì nghèo đói, mù chữ nên chẳng cô gái nào chịu theo anh về làm vợ. Mãi đến năm 35 tuổi, thấy hoàn cảnh anh Văn đáng thương, nên một gia đình cùng xóm chài đã gả con gái cho anh. Sau gần chục năm về ở với nhau, vợ chồng anh cũng đã sinh được hai bé gái kháu khỉnh.

Cuộc sống ở sông nước vốn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là vào những mùa mưa lũ, nhưng cả gia đình anh Văn vẫn lênh đênh cùng con thuyền. Anh Văn là lao động duy nhất để nuôi mẹ già, vợ và 2 đứa con nhỏ.

“Cuộc sống sông nước vất vả lắm, thiếu thốn đủ bề nhưng chẳng thể nào thay đổi được. Thương mẹ già, thương vợ con nhiều lắm, muốn có một mảnh đất cắm dùi để sinh sống, nhưng khổ nỗi chúng tôi không có tiền để mua đất”, anh Văn ngậm ngùi.

Những lúc rảnh rỗi, bà Lý cùng chồng đi vớt cỏ sông đem về bán.

Trẻ em trong làng chài nhỏ bé này, phần lớn là thất học, bởi nhà không có tiền, bố mẹ chúng quan niệm học cũng chả để làm gì nên suốt ngày tụ tập, chơi bời. Sân chơi của lũ trẻ lại chính là những bãi bồi bên sông hay ở đầu mui thuyền, nơi mà những nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào tới tính mạng.

Thời gian gần đây, dòng sông Bưởi bắt đầu bị ô nhiễm bởi các nhà máy xả thải trái phép. Tuy nhiên, đa số các hộ dân đều sử dụng nguồn nước dưới sông để sinh hoạt hằng ngày từ ăn, uống, tắm giặt...

“Sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông, cuộc sống đến nay vẫn chưa có một ngôi nhà theo đúng nghĩa để có thể lo cho con cái chỗ ăn, chỗ ở. Quanh năm lo cơm áo gạo tiền, chẳng đứa nào được đi học. Nước sông ngày càng ô nhiễm, con cá, con tôm cũng khó sống nổi. Chúng tôi mơ ước được lên bờ sống như mọi người, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện bán đất với giá rẻ nhưng làm nghề chài lưới như chúng tôi làm gì có nổi vài chục triệu mà mua đất”, ông Nguyễn Văn Thanh (55 tuổi), một hộ dân sinh sống trên sông Bưởi chia sẻ.

Chính cuộc sống vất vả, không có việc làm, không có nổi một tấc đất cắm dùi đã trở thành dòng xoáy nhấn chìm họ. Nhưng những hy vọng và khát khao ấy vẫn le lói, âm ỉ cháy trong tâm hồn. Người dân ở đây vẫn tin rằng, sẽ có một điều kỳ diệu xuất hiện và trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ.

Chia tay những “ngôi nhà xác xơ” bên bờ sông Bưởi đang oằn mình trước những cơn mưa giá rét, hay những trận nắng nóng như thiêu như đốt của mùa hè, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa.

Cầu mong những phận đời nổi trôi trên dòng sông này sẽ không còn mãi lênh đênh...

Thiện Quyền

Tin nổi bật