Theo lời kể của các nhân chứng, Isreal đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào trường Al-Fakhoura, tại khu vực trại tị nạn Jabalia, thành phố Gaza. Người đứng đầu bệnh viện al-Shifa, ông Mohammad Abu Selmeyah cho biết vụ tấn công khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Đoàn xe cứu thương bị tấn công hôm 3/11 tại bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza.
Vụ tấn công xảy ra ngay trước thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkens gặp ngoại trưởng các nước Ả Rập để thảo luận về khả năng ngừng bắn ở Gaza. Cụ thể, trong ngày 4/11, Ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc gặp trực tiếp với ngoại trưởng Ả Rập Xê-út, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập, cũng như đại diện của Palestine tại Amman (Jordan) để thảo luận vấn đề trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quan chức Ả Rập nhấn mạnh "lập trường của Ả Rập kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, cung cấp viện trợ nhân đạo và các biện pháp chấm dứt tình trạng suy thoái nghiêm trọng đang đe dọa an ninh khu vực".
Điều kiện sống của Gaza vốn đã tồi tệ, nay càng khó khăn hơn do các cuộc giao tranh. Tình trạng thực phẩm khan hiếm, dịch vụ y tế sụp đổ... gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.
Bộ Y tế Gaza cho biết, 2 phụ nữ thiệt mạng ngay trước cửa bệnh viện Nhi đồng Nasser trong cuộc tấn công tên lửa khác của Israel đã xảy ra hôm 3/11. Một vài người khác cũng bị thương trong vụ việc.
Vài giờ trước đó, các quan chức y tế Gaza cũng thông tin cuộc không kích của Israel nhằm vào xe cứu thương ở Gaza khiến 15 người thiệt mạng. Được biết, một phần của đoàn xe chở những người Palestine bị thương tại bệnh viện lớn nhất Gaza - bệnh viện al-Shifa.
XEM THÊM: Để đảm bảo tự do ở Biển Đông, Nhật Bản quyết định hợp tác với Mỹ và Philippines
Quân đội Israel cho biết họ đã xác định mục tiêu và bắn trúng chiếc xe cứu thương "chở nhóm khủng bố Hamas" và tuyên bố tiêu diệt một số chiến binh Hamas. Bộ Y tế Palestine sau đó đã yêu cầu Israel cung cấp bằng chứng về việc xe cứu thương được sử dụng để chở lực lượng Hamas.
Trước đó, vào ngày 1/11, sau gần một tháng xung đột với nhiều cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp, nhóm người nước ngoài đầu tiên đã được phép rời Dải Gaza.
Bước đột phá cho phép nhóm công dân nước ngoài đầu tiên, trong đó có nhiều người Mỹ, rời Dải Gaza ngày 1/11 đến sau nhiều tuần nỗ lực ngoại giao giữa nhiều bên. Thỏa thuận cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài và nhóm thường dân bị thương rời Gaza qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập đạt được vào ngày 31/10, trước khi lực lượng Israel không kích trại tị nạn lớn nhất Gaza.
Qatar, với sự hỗ trợ của Mỹ, là nhà môi giới chính của thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và Hamas, theo các nguồn tin quen thuộc với cuộc đàm phán.
Những người vui mừng qua cửa khẩu Rafah sau khi được phép rời Dải Gaza ngày 1/11.
Nhật Minh (T/h)