Lễ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của ông Donald Trump sẽ diễn ra vào trưa 20/1, đánh dấu kết lại quá trình chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Joe Biden cho người chiến thắng cuộc bầu cử tháng 11/2024.
Với những cam kết quyên góp từ nhiều nhà tài trợ trong hơn một tuần qua, ủy ban tổ chức lễ nhậm chức cho ông Trump sẽ huy động được tối thiểu 200 triệu USD cho sự kiện, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Các nhà tài trợ lớn, bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, đã cam kết chi mạnh tay cho lễ nhậm chức của ông Trump, trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Tổng thống thứ 47.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Mọi cá nhân, tập đoàn và tổ chức lao động tại Mỹ đều được phép đóng góp không giới hạn cho lễ nhậm chức tổng thống. Những người quyên góp từ 200 USD trở lên phải khai báo danh tính cho Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) trong vòng 90 ngày sau lễ nhậm chức, theo Washington Post. Công dân nước ngoài bị cấm quyên góp cho ủy ban này.
Amazon và Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, tháng trước thông báo dự kiến quyên góp một triệu USD cho quỹ nhậm chức của ông Trump. CEO OpenAI, Sam Altman, tuyên bố quyên góp cá nhân một triệu USD. Microsoft, Google và Adobe mỗi công ty đã quyên góp một triệu USD cho ủy ban này. CEO của Apple, Tim Cook, cũng quyên góp cá nhân một triệu USD, theo Axios.
Ford, General Motors và Toyota quyên góp mỗi công ty một triệu USD. Boeing, Chevron và Uber cũng đưa ra những cam kết tương tự. Hãng dược phẩm Pfizer, công ty chăm sóc sức khỏe trực tuyến Hims & Hers và dịch vụ thuế Intuit mỗi công ty quyên góp một triệu USD. Công ty giao dịch chứng khoán Robinhood đóng góp hai triệu USD.
Các khoản đóng góp này đã giúp ủy ban lễ nhậm chức của ông Trump quyên được số tiền cao hơn rất nhiều so với chi phí tổ chức sự kiện. Số tiền dư ra sau lễ nhậm chức sẽ được chuyển cho Thư viện Tổng thống Trump trong tương lai.
Theo đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trợ lý ngoại trưởng và nhiều quan chức cấp cao khác sẽ không còn cần thiết kể từ ngày 20/1.
"Nhóm chuyển giao chúng tôi muốn tìm những người có chung tầm nhìn với ông Donald Trump về việc đặt đất nước và tầng lớp lao động lên hàng đầu. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần khắc phục, đòi hỏi đội ngũ tận tâm, tập trung vào những mục tiêu chung", phát ngôn viên nhóm ông Donald Trump nhấn mạnh.
Trước ngày 20/1, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu chính thức nộp đơn xin nghỉ, trong đó có Thứ trưởng John Bass, phụ trách lĩnh vực quản lý và các vấn đề chính trị cùng trợ lý bộ trưởng Geoff Pyatt, phụ trách tài nguyên năng lượng.
Động thái này cho thấy chính quyền Tổng thống mới muốn thay đổi cơ cấu và ưu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Joe Biden. Những ưu tiên dưới thời ông Donald Trump gồm áp đặt thuế quan với cả đồng minh lẫn đối thủ, củng cố lệnh ngừng bắn Israel - Hamas, chấm dứt chiến sự Ukraine và trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép.