Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Ông trùm” đào hầm giấu “nàng tiên nâu” trong nhà lĩnh án tử

(DS&PL) -

Vì hám lợi, Nguyễn Trí Dũng đã cùng đồng bọn thành lập đường dây vận chuyển, mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam.

Vì hám lợi, Nguyễn Trí Dũng đã cùng đồng bọn thành lập đường dây vận chuyển, mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam. Trong số 13 đối tượng đã bị bắt giữ, có nhiều người được xác định là “ông trùm”, “bà trùm”.

Cả nhà tham gia vận chuyển ma túy

Một ngày giữa tháng Sáu, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm xét xử vụ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Trí Dũng (SN 1972) cầm đầu. Các bị cáo Trần Quý Đẳng (SN 1964), Nguyễn Thị Hoa (SN 1959) và Đặng Văn Dũng (SN 1985), Đỗ Thị Dung (SN 1981, con gái bị cáo Hoa) cùng 8 bị cáo khác được xác định là các “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán ma túy này.

Đây là đường dây mua bán ma túy số lượng lớn, do nhiều “ông trùm”, “bà trùm” tham gia hoạt động, điều hành. Các bị cáo bị xét xử về các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Riêng bị cáo Nguyễn Trí Dũng còn bị truy tố, xét xử thêm về tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo từng có tiền án về tội Mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Sau khi ra tù, các đối tượng móc nối, thiết lập đường dây ma túy từ Lào (thông qua cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An) và cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình) về TP.HCM tiêu thụ.

Năm 2001, Nguyễn Trí Dũng từ Hà Tĩnh vào TP.HCM sinh sống và làm nghề điện lạnh. Sau đó, Dũng mở quán ăn tại quận Bình Tân. Tháng 2/2015, Dũng gặp người tên Tuấn Bắc (không rõ lai lịch, nói giọng Nghệ An) thường đến quán nhà Dũng ăn sáng. Qua tiếp xúc, biết Dũng có ý định buôn ma túy nên Bắc móc nối sẽ cung cấp heroin cho Dũng với giá 8.700 USD/bánh để Dũng bán lại với giá 9.000 USD.

Đồng thời, Tuấn Bắc giới thiệu cho Dũng nhiều đầu mối tiêu thụ khác để bán lại “hàng” hưởng chênh lệch. Trong số các đầu mối thân tín của Dũng có Nguyễn Thị Hoa, từng có tiền án chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy được đặc xá ra tù năm 2012.

Tháng 3/2015, Dũng nhận từ Bắc 1 chiếc valy chứa 20 bánh heroin. Nhận hàng, Dũng bán lại cho Hoa 7 bánh, bán lại cho Dung 2 bánh với giá 9.000USD/bánh. Số ma túy còn lại, Dũng đem trộn với 3,5 kg bột ép thành 20 bánh heroin mới, giao lại cho người của Tuấn Bắc.

5 tháng sau, Dũng nhận thêm 20 bánh heroin. Trong lúc Dũng đưa Dung 10 bánh heroin thì công an bắt quả tang. Khám xét nơi Dũng ở, cơ quan điều tra thu giữ thêm 14,6 kg heroin, 1 khẩu súng, 2 hộp tiếp đạn và 20 viên đạn.

Dũng khai giữ hộ Bắc khẩu súng trên từ tháng 6/2015. Mở rộng điều tra, cơ quan bắt giữ Hoa, Đẳng cùng nhiều đối tượng khác. Tại cơ quan công an, Trí Dũng khai nhận từ Tuấn Bắc tổng cộng 70 bánh heroin rồi bán lại toàn bộ số hàng cho nhiều đầu mối tại TP.HCM. Trong đó, mẹ con Hoa mua 38 bánh heroin.

Trong đường dây này, còn có Trần Quý Đẳng và Trần Xuân Luyện là những “ông trùm” buôn bán số lượng lớn ma túy. Đẳng và Luyện là anh em ruột (cả hai cùng có tiền án về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy ở bên Lào). Sau khi ra tù vào năm 2012, Đẳng qua Lào kiếm việc làm thì gặp Trường (không rõ lai lịch).

Tại đây, Đẳng được Trường thuê vận chuyển ma túy từ Vinh vào TP.HCM với tiền công là 30 triệu đồng mỗi chuyến. Vào 10h ngày 29/9/2015, Đẳng vào TP.HCM và được Luyện đón về khách sạn ở quận 1. Sáng hôm sau, Đẳng được Trường chỉ đạo ra ga Sài Gòn nhận 10 bánh heroin và 2kg ma túy đá mang về giao cho khách tại xóm Chiếu, quận 4 thì bị bắt.

Còn Đặng Văn Dũng mua của mẹ con Hoa tổng cộng 11 bánh heroin. Sau khi biết tin “đối tác” sa lưới, Dũng mang theo 6,7 gram heroin về TP.Lào Cai lánh nạn.

Các bị cáo tại tòa.

Ranh ma cũng không thoát lưới trời

Tại tòa, “ông trùm” Nguyễn Trí Dũng khai đã móc nối với các đối tượng bên kia biên giới để mua ma túy và vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn thuộc tỉnh Nghệ An. Để điều hành hoạt động mua bán ma túy tại TP.HCM, Trí Dũng mua súng, thuê 1 căn nhà tại quận Tân Bình để mở quán cháo lươn làm bình phong.

Theo Trí Dũng, tại quán lươn này, Dũng cho đào 1 hầm bí mật dưới nhà bếp để cất giấu ma túy. Trí Dũng được xác định là đầu mối mua bán số lượng lớn nhất ma túy. Tính đến khi bị bắt, Trí Dũng khai đã mua từ Tuấn Bắc trên 70 bánh ma túy để bán lại, hưởng lợi trên 5.400 USD. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm rõ được số tang vật này nên Trí Dũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về số ma túy bị bắt quả tang vào ngày 1/10/2015 là 10 bánh heroin.

Một “ông trùm” khác là bị cáo Đẳng khai, sau khi có nguồn “hàng”, Đẳng bắt mối với Hoa để “bắt mối” với các bạn tù cũ để hình thành mạng lưới vừa bán sỉ, vừa bán lẻ và tiếp nhận hàng do Đẳng gửi vào.

Bị cáo Hoa khai nhận, Hoa bị phạt tù chung thân, sau đó được ân xá xuống tù có thời hạn. Sau khi được ra tù, Hoa chỉ đạo con gái ruột vào TP.HCM mua 1 căn nhà tại quận 5 để thiết lập mạng lưới điều phối, mua bán ma túy.

Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm hoặc là những “đại lý” phân phối ma túy từ các “ông, bà trùm”. Sau nhiều ngày xét xử, xét hành vi, vai trò của từng bị cáo, HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Trí Dũng (SN 1972) tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy, 2 năm tù về tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là tử hình.

Các bị cáo Trần Quý Đẳng, Nguyễn Thị Hoa, Đặng Văn Dũng, Đỗ Thị Dung cùng bị phạt mức án tử hình. 8 bị cáo đồng phạm còn lại thì chỉ có 1 bị cáo lãnh 7 năm tù, còn lại đều bị tuyên phạt án
chung thân.

Ngoài tuyên phạt 5 án tử hình, 7 án chung thân và 1 án 7 năm tù, HĐXX còn kiến nghị làm rõ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của 1 luật sư tên H. trong quá trình bào chữa cho Đặng Văn Dũng. Theo tòa, trong quá trình xét xử có triệu tập bà H. với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ tính hợp pháp cũng như các tình tiết khách quan của các chứng cứ, tài liệu. Hành vi của người này có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, thể hiện tại các tài liệu là giấy xác nhận của 2 đối tượng Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thành Quyết có nội dung chứng minh bị cáo Văn Dũng ngoại phạm.

Trước đó, cơ quan điều tra từng triệu tập bà H. đến làm rõ dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ theo các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa. Tuy nhiên, bà H. không đến, không hợp tác nên cơ quan điều tra chưa ghi được lời khai cũng như chưa thu thập được hình ảnh của luật sư để xử lý theo quy định.

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (96)

Tin nổi bật