Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 5 nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nghèo (Ảnh Đại đoàn kết). |
Trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến vấn đề vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp và những giải pháp cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Theo chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, năm 2013 năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần là do không được thông tin đầy đủ về cách tính NSLĐ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nên có ý kiến nhận định rằng trình độ nghề nghiệp của người lao động Việt Nam thấp là nguyên nhân chính của tình trạng trên.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm NSLĐ và thực tiễn Việt Nam vì NSLĐ là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối chứ không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp của người lao động.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ILO tính năng suất lao động theo công thức sau:
NSLĐ = GDP/Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế
= Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người làm việc
= GDP/Dân số x Tỷ lệ người làm việc trong tổng dân số
Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số giữa các nước là xấp xỉ như nhau thì so sánh NSLĐ giữa các nước cũng tương đương như so sánh Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người của các nước.
Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người dưới 1.000 USD/năm thì quốc gia đó được xếp là nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008. Khi đó, GDP/người của Singapore là 39.700 USD, gấp hơn 34 lần Việt Nam; của Nhật Bản là 37.800 USD, gấp 33 lần Việt Nam; của Hàn Quốc là 20.500 USD, gấp 18 lần Việt Nam; của Malaysia là 8.400 USD, gấp 7 lần Việt Nam và của Thái Lan là 4.100 USD, gấp 3,6 lần Việt Nam.
Vì sao Việt Nam nghèo?
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ra 5 nguyên nhân khiến nước ta còn nghèo so với các nước khác.
Trước tiên, do xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ KHCN, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.
Việt Nam bị tàn phá nặng nề qua 30 năm chiến tranh (1945-1975), mới bắt tay vào công cuộc xây dựng lại và phát triển đất nước từ năm 1975, trong khi đó các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh trong 30 năm trước đó…
Thứ 2 là do khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp: Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng tạo ra chưa cao. Lấy ví dụ trong ngành dệt may. Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi sản xuất ngành dệt may là: khâu sản xuất sợi - 40 triệu đồng/người/năm; khâu dệt - 30 triệu đồng/người/năm, khâu may - 5,5 triệu đồng/người/năm. Do đó, muốn tạo ra thu nhập cao hơn thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào các khâu kéo sợi và dệt vải nhưng phải xem xét suất đầu tư.
Vì vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt - may nói riêng cần có thời gian tích lũy vốn hàng chục năm để có thể tham gia ngày càng đầy đủ hơn vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Thứ 3 là do trình độ công nghệ thấp, lạc hậu: Theo kết quả tổng điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2000-2011, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp vẫn chiếm bình quân gần 60\% tổng số doanh nghiệp tham gia điều tra. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29\%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao chiếm tỷ lệ khoảng 10\%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2\%.
Tình trạng khoảng 88\% doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và trung bình thấp là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng NSLĐ và thu nhập đầu người của Việt Nam còn thấp. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư để bổ sung và hiện đại hóa thiết bị công nghệ ở hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Một nguyên nhân khác được Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đưa ra là do nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp: Mặc dù cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay đang từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18\% GDP nhưng chiếm đến 47\% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều: Thái Lan - 39\%, Trung Quốc - 34\%, Malaysia – 11\%, Hàn Quốc – 6,5\%, còn Singapore chỉ có khoảng 1\% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mặc dù tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp: năm 2000 – 16\%, năm 2005 – 26,2\%, năm 2010 – 40\%, năm 2013 ước đạt 49\%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore năm 2013 là 61,5\%, Hàn Quốc là 62\%.
Và cuối cùng là do khoa học chậm phát triển, đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN) còn thấp: Từ năm 2001 đến năm 2011 tỷ lệ đầu tư cho KHCN/GDP của nước ta nhìn chung xoay quanh mức 0,5\% và trong 11 năm tỷ lệ đầu tư này chỉ tăng từ 0,48\% lên 0,51\%. Trong khi đó, một số nước trong khu vực gia tăng đầu tư mạnh cho KHCN: Malaysia tăng từ 0,47\% lên 1,07\% GDP, Trung Quốc tăng từ 0,95\% lên 1,84\% GDP, Hàn Quốc tăng từ 2,47\% lên 4,04\% GDP, Thái Lan tăng từ 0,26\% lên 0,37\% GDP và đang hướng đến mục tiêu đạt 1\% GDP vào năm 2016.
Ngoài 5 nguyên nhân trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra nhiều yếu tố khác liên quan đến câu hỏi vì sao một quốc gia lại nghèo, NSLĐ thấp: Đó là sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu; sản xuất nông nghiệp chủ yếu bán nguyên liệu và xuất khẩu thô; tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN còn chậm; chính sách kinh tế vĩ mô còn bất hợp lý, chưa khai thác đầy đủ cơ hội của thị trường thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.