Ngày 8/4/2021 là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, cũng là ngày cuối cùng trên nghị trường của ĐBQH - nhà sử học Dương Trung Quốc. Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã dành cho PV ĐS&PL một cuộc trao đổi ngắn về những suy nghĩ, cảm nhận, kỳ vọng của ông sau những lần tham gia làm đại biểu, trong đó có cả những việc mà ông cho là sai lầm.
Tuổi sinh học không quan trọng bằng tuổi phát triển trong nhận thức
PV: Thưa ĐBQH Dương Trung Quốc, được biết đây là kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ cuối cùng ông tham gia Quốc hội với vai trò trên. Xin hỏi, cảm nghĩ của ông thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Nhiệm kỳ Quốc hội sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi về nhân sự, theo hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu có tính đại diện hơn. Như tôi đã quá tuổi, việc rút lui là đương nhiên, cần thiết, để nhường lại diễn đàn cho lớp trẻ.
Nhưng có những anh em mới bắt đầu nhuần nhuyễn thì vì quy định liên quan đến tuổi tác mà phải dừng lại. Theo tôi đó là điều đáng tiếc. Tuổi sinh học không quan trọng bằng tuổi phát triển trong nhận thức. Nếu chúng ta suy nghĩ không thấu đáo thì sẽ vấp váp.
PV: Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc. Là người đã có 20 năm làm ĐBQH, ông nhận định ra sao về vai trò của Quốc hội cũng như vai trò của bản thân trên cương vị là ĐBQH?
Ông Dương Trung Quốc: Theo lẽ thông thường, chúng ta luôn mong muốn cái sau tốt hơn cái trước. Sau nhiều kỳ Quốc hội, tôi thấy quy trình của chúng ta ngày càng chặt chẽ hơn, các sai sót cũng dần dần được khắc phục.
Nhưng là người làm lịch sử, tôi có thói quen thận trọng. Trong suy nghĩ của tôi luôn có một “độ lùi” nhất định để nhìn lại quá khứ và rút ra bài học. Tôi đã phát biểu trước Quốc hội, khi chúng tôi chứng kiến những đại án, tôi tự hỏi trước khi đại án ấy xảy ra, Quốc hội đã làm gì, cá nhân mình là ĐBQH đã làm gì để ngăn chặn? Như thế có nghĩa là những sai sót mà sau này trở thành các đại án cũng có trách nhiệm của Quốc hội nhiệm kỳ đó, trong đó có tôi. Nếu phát hiện sớm, chúng ta đã ngăn chặn được, không để mất mát cán bộ, mất mát tiền bạc của quốc gia.
ĐBQH Dương Trung Quốc. |
Nhưng tương lai không dễ đoán định. Ví dụ như đại dịch Covid-19 có ai biết trước được đâu? Chúng tôi nhớ khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, ai cũng nói là thành công tốt đẹp như hôm nay chúng ta nói. Nhưng có lẽ phải một thời gian nữa chúng ta mới biết là thành công đến đâu.
Trước lúc xảy ra chuyện thì mọi người đều nhìn ngành ấy, con người ấy toàn là tốt đẹp, màu hồng. Điều đó cho thấy tính phức tạp của thực tiễn.
Mặc dù vậy, tôi luôn có lòng tin. Đứng trước thách đố ấy chúng ta có lịch sử và thực tiễn chứng minh rằng niềm tin ấy là có cơ sở. Nhiệm kỳ vừa rồi là minh chứng rõ ràng nhất.
Chúng ta có niềm tin vào sự phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức. Tuy nhiên, theo tôi vẫn phải có sự khiêm nhường. Không nên ai cũng khen nhau. Hôm nay hoàn thành nhiệm vụ, mỗi ĐBQH và kể cả Quốc hội khoá XIV, mỗi người có thể nhìn nhận lại nhiệm kỳ qua. Tôi tin rằng bên cạnh những thành công thì ai nấy cũng vẫn cảm thấy có những cái đáng tiếc.
PV: Vậy có điều gì làm ông cảm thấy đáng tiếc hay không?
Ông Dương Trung Quốc: Có một số việc tôi cảm thấy đáng tiếc vì lẽ ra mình có thể làm được tốt hơn. Nhất là trong mối quan hệ với cử tri, trong công tác xây dựng pháp luật.
Một ví dụ có thể nói là “sai sót” của tôi xảy ra hồi Quốc hội thông qua luật An ninh mạng. Khi đó, tôi nghĩ đơn giản là luật đó nó hạn chế tự do của con người nên tôi không đồng ý thông qua. Nhưng sau đó, khoa học công nghệ phát triển quá nhanh, những diễn biến phức tạp của tình hình cho thấy cần thiết phải có pháp luật về an ninh mạng. Khi đó tôi nhận thức lại là mình đã sai. Đó cũng là bài học của cá nhân tôi trên cương vị là một ĐBQH.
Cần vai trò giám sát của cơ quan dân cử
PV: Gần đây Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Là một nhà sử học gắn bó với Hà Nội, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nghề nghiệp đã giúp tôi tiếp cận nhiều câu chuyện, nhiều dự án. Nói thật là những gì chúng ta bàn đến hôm nay đã cũ lắm rồi, làm rất nhiều rồi. Chúng ta cũng biết Hà Nội có giá trị như thế nào, đặc biệt là những khu phố cổ, những di sản văn hóa... Rất nhiều dự án đưa ra nhưng phải nói thẳng là chúng ta chưa thành công.
Cho nên lần này vấn đề đặt ra cũng rất cần thiết, nhưng nên rút kinh nghiệm từ quá khứ. Những nguyên lý cơ bản hầu như chúng ta đều nhận thức ra. Ví dụ như phải giãn dân để có tỉ lệ dân số tương ứng. Chúng tôi từng sống vào thời kỳ Hà Nội có hạ tầng đảm bảo cho duy trì và phát huy được sắc thái văn hoá riêng. Mỗi một ngôi nhà gần như là một nếp sống, một hoàn cảnh, một gia phong và nó tạo ra những giá trị.
Sau đó, có thời kỳ chúng ta quản lý đất đai nhà cửa kiểu một nhà 5-7 chủ, đi ra đi vào “đá thúng đụng nia”. Ai cũng biết cần phải giãn dân nhưng giãn thế nào, giãn ai...?
Chúng ta nói từ lâu là phải giảm dân số xuống, giảm khối lượng xây dựng xuống, chúng ta cũng có quy định phải làm nhà mái dốc, tránh làm nhà cao tầng mái bằng tại khu vực này, nhưng nhà như vậy vẫn lổn nhổn mọc lên. Bây giờ đưa ra vấn đề này thì không mới, quan trọng là giải pháp thế nào?
PV: Vậy theo ông, muốn làm được việc quy hoạch nội đô này thì giải pháp phải thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Chắc chắn sẽ làm được nhưng chúng ta phải làm trên cơ sở chia sẻ hài hòa lợi ích và trách nhiệm với cộng đồng. Tôi nói ví dụ giải pháp giãn dân, phải đặt câu hỏi giãn thì dân đi đâu? Nếu chúng ta vẫn quan điểm giãn dân là giải toả, đưa họ ra những vùng đất xa hơn, khó làm ăn, không có hạ tầng tốt, thậm chí cái nhà làm chất lượng như từ thiện... thì không được.
Ai cũng biết giá trị của không gian sống vùng lõi Hà Nội là thế nào. Họ chỉ bước ra đường là có một thị trường có thể sống được tốt. Cái đó phải tính đến. Trong một ngôi nhà, vị trí cũng khác nhau, anh ở trên gác khác, anh có mặt tiền khác... Bài toán cuối cùng là bài toán lợi ích của từng gia đình, từng cá nhân, giữa lợi ích cá nhân, gia đình, xã hội, lợi ích của Thủ đô phát triển. Cái đó phải rõ ràng.
Có được giải pháp rồi thực hiện phải nghiêm, lãnh đạo phải gương mẫu, chứ không phải vì con đường đi qua nhà lãnh đạo thì né đi một tí để lãnh đạo đỡ bị ảnh hưởng. Chuyện đó trong thực tế có rồi. Ở đây cần vai trò giám sát của cơ quan dân cử: ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân.
PV: Trong 20 năm làm ĐBQH, khá nhiều lần ông nói chúng ta nên có chỉ số niềm tin của dân bên cạnh hệ thống chỉ tiêu đo lường khác. Hiện nay Chính phủ chủ trương khơi gợi khát vọng để giúp Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Ông nghĩ điểm tựa nào để đánh thức niềm tin đó?
Ông Dương Trung Quốc: Một nguyên lý cơ bản là ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc, không có chiến tranh, cuộc sống vật chất tinh thần tốt lên... Đây là mục tiêu mà quốc gia nào cũng phải hướng đến.
Vấn lớn nhất của mọi thời đại cũng là vấn đề lợi ích. Toàn bộ đời sống xã hội đều được phản ánh dưới góc độ lợi ích, chỉ khác là lợi ích có hài hòa không, có bị xung đột không. Cho nên có nhóm lợi ích là điều tất yếu.
Để người dân được củng cố niềm tin tạo nên sức mạnh của cả dân tộc thì những gì cần làm cũng không nằm ngoài vấn đề lợi ích. Phải khách quan, công bằng, minh bạch trong chia sẻ lợi ích bên cạnh chia sẻ trách nhiệm. Ví dụ làm một con đường, những người ra mặt đường được hưởng cái gì, người mất đất thiệt hại những gì?...
Tất nhiên ý chí là cái quan trọng, nhưng chúng ta vẫn cần phải tư duy biện chứng, chúng ta ngày mai phải tốt hơn chúng ta ngày hôm qua, hôm nay. Do đó cần có những thay đổi cụ thể chứ không chỉ là thay đổi về mặt ý chí.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hoàng Yên
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (58)