(ĐSPL) - Khi bản án được các cấp tòa tuyên còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm, sự trông chờ vào việc phân xử ở phiên tòa giám đốc thẩm được coi là cứu cánh cuối cùng đối với nhiều người, nhưng thủ tục nhiêu khê, kéo dài và "nút thắt" mang tên... "ngâm án" đã trở thành nỗi ám ảnh trong hành trình đi tìm cán cân công lý của người dân.
|
“Nút thắt” giám đốc thẩm trong hành trình “ngâm án”... hành dân?! (Nguồn minh hoạ: Báo Thanh niên)
|
"Ngâm án"...!!!
Đến giờ luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư Hà Nội vẫn không thể quên một sự vụ mà ông đã dày công theo đuổi suốt nhiều năm. Đến lúc này, luật sư Cường cũng chỉ biết trách bản thân mình. Hỏi ra mới biết, vụ việc đó hết sức đơn giản liên quan đến một vụ kiện dân sự về tranh chấp đất đai, qua hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) vẫn còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sau khi có kháng nghị, cả nguyên đơn và bị đơn hồi hộp chờ đợi suốt hơn 3 năm trời mà vẫn chưa nhận được thông tin xét xử. Đáng nói, trong suốt quãng thời gian lẽo đẽo "gánh án" chờ đợi các cấp tòa xét xử, phía nguyên đơn thì lao đao vì nợ nần, còn bị đơn cũng chẳng kém phần thiệt thòi, khi không còn mảnh đất cắm dùi.
Tương tự, bản báo cũng nhận được nguồn tin từ VKSND Tối cao rằng, đơn vị này vừa nhận được đơn của Lê Phương Trang (ngụ TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp). Mới đây, ông Trang đã gửi đơn đến cục Điều tra VKSND Tối cao đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp vì gần ba năm nay không xét xử giám đốc thẩm một vụ tranh chấp mà ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản án đã có hiệu lực pháp luật do TAND TP. Cao Lãnh xét xử.
Tháng 9/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp kháng nghị giám đốc thẩm bản án có hiệu lực pháp luật do TAND TP. Cao Lãnh xét xử. Từ đó đến nay ông Trang nhiều lần yêu cầu ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Đồng Tháp xem xét xử giám đốc thẩm, nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Sau nhiều lần ông khiếu nại, TAND Tối cao cũng đã có công văn đôn đốc TAND tỉnh Đồng Tháp nhưng đến nay ủy ban Thẩm phán của tòa này vẫn chưa mở phiên họp giám đốc thẩm.
Nguồn thông tin từ TAND Tối cao cũng cho hay, mới đây, chị Lê Thị Thanh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) - nguyên đơn trong một vụ ly hôn do TAND tỉnh Bến Tre giải quyết phúc thẩm vào tháng 4/1996 đã có đơn gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao để hỏi về kết quả giải quyết vụ án của chị sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm từ... 15 năm trước.
Cụ thể, hai năm sau phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn của chị, tháng 8/1998, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị phần chia tài sản, đề nghị cấp giám đốc thẩm hủy phần này, giao về cho TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại và tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm. Và, cho đến hôm nay chị Thanh vẫn chưa hề nhận kết quả giám đốc thẩm vụ án.
|
“Nút thắt” giám đốc thẩm trong hành trình “ngâm án”... hành dân?! (Nguồn minh hoạ: Báo Pháp luật TP.HCM)
|
Tồn đọng...Theo đại diện TAND Tối cao, việc tồn đọng các án ở cấp giám đốc thẩm vẫn thường xảy ra, tuy nhiên số lượng cũng đã được tinh giảm dần. Để chứng minh, đại diện đơn vị đưa ra con số, trong năm 2013, TAND Tối cao đã giải quyết được hơn 63\% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - con số cao nhất từ trước tới nay. Nhưng đáng nói, trong số đưa ra thì phần lớn là giải quyết những tồn đọng của năm trước với con số gần 11.000 đơn và hiện còn chưa đầy 4.000 đơn chưa giải quyết.
Một thẩm phán thuộc TAND Tối cao (xin được ẩn tên) khi được đặt câu hỏi, cho rằng: Giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ. Việc kháng nghị chỉ giao duy nhất người đứng đầu các ngành tòa án, kiểm sát thực hiện. Nhưng cách làm như hiện nay dẫn đến nhận thức của xã hội, kể cả cơ quan Nhà nước xem giám đốc thẩm, tái thẩm là cấp xét xử thứ ba. Tâm lý người dân dường như thiếu tin ở cấp phúc thẩm, cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ ba này, làm thay đổi bản án và thời gian qua nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.
"Vì thế, trừ những vụ có kháng nghị, dù các cấp tòa có xử đúng đến mấy thì người dân vẫn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Nhưng phải thừa nhận, việc thì nhiều nhưng nhân lực thì hạn chế nên không tránh khỏi việc tồn đọng án năm này sang năm sau. Bên cạnh đó, việc giải quyết án tồn cũng đã chiếm phần lớn thời gian nên tất yếu nảy sinh những vụ án bị kéo dài, thậm chí là kéo dài đến nhiều năm không được xử", vị này cho hay.
...Khắc phục?
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thì: "Tình trạng án giám đốc thẩm bị ngâm lâu mới đưa ra xem xét là có nguyên nhân từ thực tiễn. Dù cho luật có quy định nhưng cho đến hiện tại chưa có Nghị quyết nào của Hội đồng thẩm phán về việc hướng dẫn phiên họp giám đốc thẩm, trình tự thủ tục, thời gian, trình tự mở phiên tòa giám đốc thẩm. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) là ủy ban thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa Dân sự, tòa Kinh tế, tòa Lao động của Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn đang còn lúng túng và có khi ở đâu đó vẫn lạm dụng vào sự thiếu chặt chẽ của luật để cố tình "ngâm", thậm chí còn có tiêu cực khác trong việc giám đốc thẩm đối với bản án.
|
Vụ án oan 10 năm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn có thể coi là một điển hình về án oan sai...
|
Bộ luật TTDS quy định về khiếu nại, tố cáo, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm rất chung chung, vì thế khi quyền lợi bị xâm phạm hoặc khi phát hiện vi phạm về thời hạn hoặc bị "ngâm án" thì đương sự, người có thẩm quyền kháng nghị không biết gửi đến cơ quan nào mà chỉ gửi kiến nghị lên chính cơ quan được giao thẩm quyền giải quyết giám đốc thẩm, bởi thế hiệu quả, hiệu lực chưa cao. "Để khắc phục tình trạng ngâm án giám đốc thẩm thì cần sửa đổi Bộ luật TTDS, bổ sung thêm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm", vị luật sư nói.
Nhiều luật gia và chuyên gia pháp lý khi được hỏi đều có chung kiến nghị, những vụ án có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thường rất phức tạp, để bảo đảm quyền lợi của người bị kết án về quyền bào chữa thì phải mời họ đến, nghe lời khai mới, chứ không chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo bút lục hay báo cáo của chuyên gia; đồng thời phải bảo đảm cho luật sư, người đại diện hợp pháp của họ tham gia quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Có vậy mới làm minh bạch thông tin và giám sát được cách làm án của các cơ quan tố tụng.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về hàng nghìn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đã giải quyết được hơn 63\% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - con số cao nhất từ trước tới nay. Ông Trương Hòa Bình cũng tự nhận thấy việc xét xử chưa đạt kết quả như mong muốn của Quốc hội và nhân dân.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì luật không quy định cụ thể thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là bao lâu nhưng quy định: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật và trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Toà án có thẩm quyền phải mở phiên toà giám đốc thẩm để xét xử vụ án.
Trần Quyết - Ong Lý